Đánh giá ngoài các chương trình đào tạo trình độ đại học theo chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đạt được những kết quả quan trọng, có ý nghĩa. Từ kết quả đánh giá ngoài chương trình đào tạo trình độ đại học, bài viết đã đề xuất một số kiến nghị nhằm không ngừng nâng cao chất lượng chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam như đảm bảo nguyên tắc "tương thích có định hướng" trong xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, xây dựng các quy trình cơ bản để nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, xây dựng cơ chế thu thập và sử dụng thông tin phản hồi của các bên liên quan trong quá trình xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong.
1. Đặt vấn đề
Kiểm định chương trình đào tạo (CTĐT) là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục (GD) đại học (ĐH) Việt Nam. Kết quả kiểm định không chỉ là căn cứ quan trọng để góp phần cải tiến, nâng cao chất lượng và chứng minh trách nhiệm giải trình của cơ sở GD ĐH mà còn là điều kiện thực hiện quyền tự chủ của cơ sở GD ĐH Việt Nam. Trong quy trình kiểm định chất lượng CTĐT theo tiêu chuẩn của Bộ GD và Đào tạo (GD&ĐT), đánh giá ngoài CTĐT là bước quan trọng để công nhận chất lượng CTĐT. Kết quả đánh giá ngoài CTĐT trình độ ĐH theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT ra sao? Từ kết quả đó, có thể khuyến nghị gì cho các cơ sở GD ĐH Việt Nam trong "lộ trình" không ngừng nâng cao chất lượng CTĐT trình độ ĐH. Trả lời những câu hỏi này là nội dung mà bài viết dưới đây đề cập đến.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Tiêu chuẩn và đánh giá ngoài chất lượng chương trình đào tạo
CTĐT gồm mục tiêu, khối lượng kiến thức, cấu trúc, nội dung, phương pháp và hình thức đánh giá đối với môn học, ngành học, trình độ đào tạo, chuẩn đầu ra phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam [1]. CTĐT được xây dựng theo đơn vị tín chỉ, bao gồm các loại chương trình định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng, định hướng nghề nghiệp; bảo đảm yêu cầu liên thông giưa các trình độm ngành đào tạo; bảo đảm quy định về chuẩn CTĐT [1].
Để đánh giá chất lượng CTĐT, bên cạnh một số bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT cụ thể, Bộ GD & ĐT đã ban hành Thông tư số 04/2016TT-BGDĐT ngày 14 tháng 3 năm 2016 quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT các trình độ của GD ĐH gồm trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ. Bộ tiêu chuẩn theo Thông tư 04/2016TT-BGDĐT gồm có 11 tiêu chuẩn (50 tiêu chí), cụ thể: Mục tiêu và chuẩn đầu ra của CTĐT (3 tiêu chí); Bản mô tả CTĐT (3 tiêu chí); Cấu trúc và nội dung chương trình dạy học (3 tiêu chí); Phương pháp tiếp cận trong dạy và học (3 tiêu chí); Đánh giá kết quả học tập của người học (5 tiêu chí); Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên (7 tiêu chí); Đội ngũ nhân viên (5 tiêu chí); Người học và hoạt động hỗ trợ người học (5 tiêu chí); Cơ sở vật chất và trang thiết bị (5 tiêu chí); Nâng cao chất lượng (6 tiêu chí); Kết quả đầu ra (5 tiêu chí).
Theo quy định tại Thông tư số 38/2013/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy định về quy trình và chu kì kiểm định chất lượng CTĐT của các trường ĐH, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, đánh giá ngoài CTĐT là một trong 4 bước của quy trình kiểm định chất lượng CTĐT [Gồm: Tự đánh giá; Đánh giá ngoài, đánh giá lại (nếu có); Thẩm định kết quả đánh giá; Công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng GD). Đánh giá ngoài CTĐT là quá trình khảo sát, đánh giá của tổ chức kiểm định chất lượng GD dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT do Bộ GD&ĐT ban hành để xác định mức độ CTĐT đạt tiêu chuẩn chất lượng GD]. Đánh giá từng tiêu chí trong mỗi tiêu chuẩn sử dụng thang 7 mức, cụ thể: Hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí, phải có giải pháp khác phục ngay (mức 1); Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí, cần có những giải pháp khắc phục (mức 2); Chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tiêu chí nhưng chỉ cần có một số cải tiến nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu (mức 3); Đáp ứng yêu cầu của tiêu chí (mức 4); Đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí (mức 5); Đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí (mức 6); Đáp ứng xuất sắc yêu cầu của tiêu chí (mức 7).
2.2. Kết quả đánh giá ngoài chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo
2.2.1. Số lượng chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và công nhận chất lượng
Tính đến ngày 10 tháng 7 năm 2020, cả nước có 5 tổ chức kiểm định chất lượng: 1/ Trung tâm Kiểm định chất lượng GD - ĐH Quốc gia Hà Nội; 2/ Trung tâm Kiểm định chất lượng GD - ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; 3/ Trung tâm Kiểm định chất lượng GD - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Hà Nội; 4/ Trung tâm Kiểm định chất lượng - ĐH Đà Nẵng; 5/ Trung tâm Kiểm định chất lượng GD - Trường ĐH Vinh.
Trong giai đoạn từ năm 2017 đến 15 tháng 7 năm 2020, qua khảo cứu số liệu công bố trên trang thông tin điện tử chính thức của 5 trung tâm kiểm định [2] và thống ke của Cục Quản lí chất lượng, Bộ GD&ĐT, cả nước đã có 310 CTĐT được kiểm định và công nhận chất lượng, trong đó có 124 CTĐT được đánh giá ngoài và công nhận đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT của Bộ GD&ĐT và 186 CTĐT được đánh giá ngoài và công nhận chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (AUN-QA, ACBSP, FIBAA, IACBE, ABET, CTI, CTI ENAEE, AMBA, HCERES).
2.2.2. Tỉ lệ phần trăm số tiêu chí đạt của mỗi chương trình đào tạo được đánh giá
Theo quy định tại Thông tư số 38/2013/TT-BGDĐT, một trong những điều kiện để 1 CTĐT trình độ ĐH được đánh giá ngoài và công nhận chất lượng là CTĐT đó phải có ít nhất 80% số tiêu chí đạt yêu cầu, trong đó mỗi tiêu chuẩn có ít nhất 50% số tiêu chí đạt yêu cầu theo kết quả đánh giá chất lượng GD của Hội đồng kiểm định chất lượng GD. Trong số 119 CTĐT trình độ ĐH được đánh giá và công nhận đạt chất lượng, các CTĐT có 86% số tiêu chí đạt yêu cầu là 22 CTĐT, 88% là 19 CTĐT. Tuy nhiên, số CTĐT có trên 90% tiêu chí đạt yêu cầu cũng đáng kể (56 CTĐT, chiếm tỉ lệ 47,05%). Đáng chú ý là, có 6 CTĐT đạt 98% số tiêu chí đạt yêu cầu. Tuy nhiên, chưa có CTĐT trình độ ĐH nào đạt 100% số tiêu chí đạt yêu cầu.
2.2.3. Mức đánh giá trung bình của chương trình đào tạo trình độ đại học
Các CTĐT tuy đạt từ 80% trở lên số tiêu chí đạt yêu cầu. Tuy nhiên, xét về mức đạt trung bình của các tiêu chí thì chỉ có 1 CTĐT đạt mức trung bình là 4.5. Chủ yếu các CTĐT có mức đạt dao độ từ 3.8 đến 4.2, trong đó đáng chú ý là số lượng lớn CTĐT đạt mức trung bình dưới 4. Điều này cho thấy, mặc dù CTĐT có thể đạt tiêu chuẩn chất lượng (trên 80% số tiêu chí đạt) nhưng nhìn tổng thể CTĐT đạt mức trung bình dưới 4 điểm chưa thực sự thể hiện tính toàn diện, đồng bộ trong việc đạt yêu cầu của tiêu chí.
2.2.4. Số tiêu chí có số chương trình đào tạo trình độ đại học đạt mức 4/7 nhiều nhất
Trong số 119 CTĐT trình độ ĐH được đánh giá ngoài và công nhận chất lượng, có 16 tiêu chí mà số lượng CTĐT đạt yêu cầu nhiều nhất (trên 90% CTĐT được đánh giá ngoài), đó là: Tiêu chí 3.1, 3.3, 4.1, 9.4, 10.5, 11.2. Bên cạnh đó, 10 tiêu chí có từ 84% đến dưới 90% CTĐT đạt yêu cầu gồm: tiêu chí 1.1, 2.3, 4.3, 5.2, 7.1, 8.2, 8.3, 9.1, 10.1, 11.1
2.2.5. Số chương trình đào tạo trình độ đại học có tiêu chí đạt mức 3/7
Số CTĐT có tiêu chí đạt mức 3, tức là chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tiêu chí nhưng chỉ cần có một số cải tiến nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu dao động từ 1 tiêu chí cho đến 1- tiêu chí, tương ứng CTĐT đạt 80% đến 98% số tiêu chí đạt yêu cầu (mức 4).
Trong số 50 tiêu chí của bộ tiêu chuẩn, có 4 tiêu chí không có CTĐT nào không đạt yêu cầu, đó là: 8.1, 8.3, 8.4, 11.3 (3/5 tiêu chí của tiêu chuẩn 8 - Chất lượng sinh viên và hoạt động hỗ trợ sinh viên). Điều này thể hiện các CTĐT được đánh giá đều đáp ứng yêu cầu về chính sách tuyển sinh, hệ thống giám sát học tập của sinh viên, hoạt động hỗ trợ học tập, việc làm và việc xác lập, giám sát, đối sánh tỉ lệ có việc làm sau tốt nghiệp.
Tuy nhiên, đáng chú ý là tiêu chí mà nhiều CTĐT không đạt yêu cầu là tiêu chí 3.2 (71 CTĐT, chiếm tỉ lệ đến 60% các CTĐT được đánh giá ngoài). Rõ ràng, phần lớn CTĐT được đánh giá chưa thể hiện rõ ràng được mức đóng góp của mỗi học phần vào việc đạt được chuẩn đầu ra của CTĐT. Tiếp đến là 52 CTĐT (Chiếm tỉ lệ 44%) chưa đạt yêu cầu tiêu chí 9.2. Bên cạnh đó, nhóm các tiêu chí có số CTĐT chưa đạt yêu cầu từ 31-50 CTĐT gồm: 2.2. 5/1, 5.3, 10.3, 10.6. Kết quả này cũng phần nào cho thấy, CTĐT trình độ ĐH của các cơ sở GD ĐH chưa thể hiện được rõ ràng nguyên tắc tương thích có định hướng trong xác lập mối liên hệ giữa mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, phương pháp giảng dạy và học tập, phương pháp kiểm tra, đánh giá và các vấn đề có tính hệ thống như: việc rà soát, đánh giá, cải tiến không ngừng quá trình dạy và học, đánh giá kết quả học tập và cơ chế phản hồi của các bên liên quan.
2.2.6. Số chương trình đào tạo trình độ đại học có tiêu chí đạt mức 5/7
Kết quả đánh giá ngoài CTĐT trình độ ĐH cho thấy nhiều CTĐT có tiêu chí đạt mức 5, tức là đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí.
49/50 tiêu chí đều có CTĐT đạt mức 5/7, đáng chú ý là tiêu chí 8.4 (40 CTĐT, tỉ lệ 34%). Tiêu chí 8.4 cũng là một trong 3 tiêu chí không có CTĐT nào không đạt yêu cầu. Tiếp đến, các tiêu chí có nhiều CTĐT đạt mức 5/7 lần lượt là: 10.4 (37 CTĐT), 8.5 (34 CTĐT), 8.1 (33 CTĐT), 11.4 (31 CTĐT), 5.5 (31 CTĐT) và 11.3 (31 CTĐT), trong đó tiêu chí 8.1, 8.3 và 11.3 cũng là những tiêu chí mà không có CTĐT nào không đạt yêu cầu. Phân bố phần lớn các CTĐT 4.1, 3.3, 9.5, 5.1, 10.6, 9.4, 10.5, 2.1, 4.3, 10.1, 2.3, 7.5, 7.4, 9.2, 11.2, 5.2, 1.1, 4.2, 11.5, 8.3, 9.1, 10.2, 11.1, 7.3, 6.2, 8.2, 6.6, 6.4, 7.2, 9.3, 6.3, 6.1, 6.5, 6.7. Tuy nhiên, riêng tiêu chí 3.2 là tiêu chí mà không có CTĐT nào đạt mức 5/7. Điều này cũng phù hợp với kết quả ở trên, đây là tiêu chí mà số CTĐT không đạt yêu cầu cao nhất. Bên cạnh đó, một số tiêu chí có rất ít CTĐT đạt mức 5/7 như tiêu chí: 1.2, 1.3, 3.1, 5.3, 10.3 (mỗi tiêu chí có 1 CTĐT đạt mức 5/7). Điều này cũng phù hợp với kết quả ở trên, đây là tiêu chí mà số CTĐT không đạt yêu cầu cao nhất. Bên cạnh đó, một số tiêu chí có rất ít CTĐT đạt mức 5/7 như: tiêu chí 1.2, 1.3, 3.1, 5.3, 10.3 (mỗi tiêu chí chỉ có 1 CTĐT đạt mức 5/7), tiếp đến tiêu chí 2.2 (3 CTĐT), 5.4 (4 CTĐT), 7.1 (4 CTĐT).
Trong số các CTĐT có số tiêu chí đạt mức 5/7, nhóm tác giả đã thống kê nhóm 14 cơ sở GD ĐH có CTĐT được đánh giá ngoài với số tiêu chí đạt mức 5/7 cao nhất, đó là: Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội (27 tiêu chí), Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội (21 tiêu chí), Trường ĐH Giao thông vận tải (20 tiêu chí), Trường ĐH Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (18 tiêu chí) và 8 Trường ĐH có CTDDT với từ 10 đến 15 tiêu chí đạt mức 5/7 là Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Lâm Nghiệp, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Trường ĐH Thương Mại, Trường ĐH Thủy lợi, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH GD - ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Y Dược - ĐH Huế, Khoa Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội.
Tài liệu tham khảo
[1] Quốc hội, (19/11/2018), Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
[2] Trang thông tin điện tử của các Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục: (1) http://cea.vnu.edu.vn/vi/content/chuong-trinh-dao-tao-0 (Trung tâm Kiểm định chất lượng Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội); (2) http://cea.vnuhcm.edu.vn/ket-qua-kiem-dinh-cap-chuong-trinh-dao-tao_p1-1_2-1_3-664.html
[3] Cục Quản lí chất lượng, Tài liệu hướng dẫn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT kèm theo Công văn số 1669/QLCL-KĐCLGD ngày 31 tháng 12 năm 2019. (Trung tâm Kiểm định chất lượng Giáo dục - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Hà Nội); (4) http://cea.udn.vn/News.aspx?muc=ctdt (Trung tâm Kiểm định chất lượng Giáo dục - Đà Nẵng); (5) http://kdclgd.vinhuni.edu.vn/ket-qua-kiem-dinh/chuong-trinh-dao-tao (Trung tâm Kiểm định chất lượng Giáo dục - Trường Đại học Vinh
[4] Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, (28/6/2016), Công văn số 1074/KTKĐCLGD-KĐĐH về việc hướng dẫn chung về sử dụng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.