Đánh giá ngoài các chương trình đào tạo trình độ đại học theo chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đạt được những kết quả quan trọng, có ý nghĩa. Từ kết quả đánh giá ngoài chương trình đào tạo trình độ đại học, bài viết đã đề xuất một số kiến nghị nhằm không ngừng nâng cao chất lượng chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam như đảm bảo nguyên tắc "tương thích có định hướng" trong xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, xây dựng các quy trình cơ bản để nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, xây dựng cơ chế thu thập và sử dụng thông tin phản hồi của các bên liên quan trong quá trình xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong.
Một số khuyến nghị đối với cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam
Từ kết quả đánh giá ngoài CTĐT trình độ ĐH của các cơ sở GD ĐH Việt Nam, để góp phần không ngừng nâng cao chất lượng CTĐT và thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở GD ĐH, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị đối với cơ sở GD ĐH của Việt Nam, cụ thể như sau:
Thứ nhất, rà soát tổng thể các CTĐT đảm bảo nguyên tắc "tương thích có định hướng" trong xây dựng và phát triển CTĐT.
Nguyên tắc "tương thích có định hướng" yêu cầu:
1/ Xây dựng chuẩn đầu ra có thể đo lường được
2/ Lựa chọn phương pháp dạy và học, phương pháp kiểm tra, đánh giá để đảm bảo đạt được chuẩn đầu ra
3/ Đánh giá mức độ đạt được chuẩn đầu ra của người học.
Nguyên tắc này còn yêu cầu xác định rõ mức độ đóng góp của từng học phần trong việc đạt được chuẩn đầu ra của người học (tiêu chí 3.2)
Kết quả đánh giá ngoài đã phân tích ở trên cho thấy, tiêu chí 3.2 là tiêu chí mà có số lượng CTĐT không đạt yêu cầu (đạt mức 3/7) nhiều nhất (71 CTĐT, chiếm tỉ lệ đến 60% các CTĐT được đánh giá ngoài). Nhóm các tiêu chí có số CTĐT chưa đạt yêu cầu từ 31-50 CTDT (tiêu chí 2.2, 5.1, 5.3) phần nào cho thấy, CTĐT trình độ ĐH của các cơ sở GD ĐH chưa thể hiện được rõ ràng nguyên tắc tương thích có định hướng trong xác lập mối liên hệ giữa mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, phương pháp giảng dạy và học tập, phương pháp kiểm tra, đánh giá.
Thứ hai, rà soát, hoàn thiện hoặc xây dựng các quy trình cơ bản để nâng cao chất lượng CTĐT.
Kết quả đánh giá ngoài đã phân tích ở trên cho thấy, nhóm các tiêu chí có số CTĐT chưa đạt yêu cầu từ 31-50 CTĐT gồm: 10.3, 10.6 (tức là 2/5 tiêu chí của tiêu chuẩn 10). Điều này cho thấy, CTĐT trình độ ĐH của các cơ sở GD ĐH chưa thể hiện được rõ ràng các vấn đề có tính hệ thống như: việc rà soát, đánh giá, cải tiến không ngừng quá trình dạy và học, đánh giá kết quả học tập và cơ chế phản hồi của các bên liên quan. Vì vậy, cơ sở GD ĐH của Việt Nam cần quan tâm hơn nữa, rà soát, hoàn thiện hoặc xây dựng quy trình cơ bản để nâng cao chất lượng CTĐT một cách tổng thể, toàn diện và bền vững. Trong quá trình đó, cơ sở GD ĐH nên tham khảo kinh nghiệm của các cơ sở GD ĐH khác có CTĐT được đánh giá với tiêu chí đạt mức 5/7.
Thứ ba, rà soát, hoàn thiện hoặc xây dựng cơ chế thu thập và sử dụng thông tin phản hồi của các bên liên quan trong quá trình xây dựng và phát triển CTĐT.
Thông tin phản hồi của các bên liên quan là nội dung yêu cầu rất quan trọng trong tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT của Bộ GD&ĐT. Ý kiến của các bên liên quan (bao gồm, nhưng không hạn chế: người học, cựu người học; nhà tuyển dụng; cán bộ, giảng viên; nhà khoa học; cơ sở quản lí nhà nước; đối tác của cơ sở GD ĐH) là cơ sở quan trọng để nhà trường nâng cao chất lượng CTĐT. Yêu cầu này xuất hiện hầu hết các tiêu chí, chẳng hạn: tiêu chí 1.3, 2.1, 2.2, 3.2, 4.2, 8.1, 8.4, 8.5, 10.1, 10.6.
Thứ tư, trong dài hạn, để phát triển bền vững, các cơ sở GD ĐH nên quan tâm thiết lập hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong hoạt động hiệu lực, hiệu quả, làm nền tảng cho các hoạt động đảm bảo chất lượng nói chung, đảm bảo chất lượng CTĐT nói riêng, từ đó hình thành và duy trì văn hóa chất lượng.
Thiết lập hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong chính là thiết lập môi trường để duy trì và phát triển văn hóa chất lượng, các điều kiện đảm bảo chất lượng bên trong bao gồm:
1/ Giảng viên, nhân viên hành chính
2/ CTĐT, giáo trình, tài liệu giảng dạy và học tập
3/ Phòng học, văn phòng, thư viện, hệ thống công nghệ thông tin, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, kí túc xá và các cơ sở khác
4/ Các nguồn lực tài chính
Để thiết lập hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cơ sở GD ĐH nen thực hiện một số nội dung cơ bản sau:
- Xây dựng chính sách, mục tiêu chất lượng trên cơ sở sứ mạng, mục tiêu của cơ sở GD ĐH: Cơ sở GD ĐH cần có chính sách rõ ràng và những quy trình phù hợp để đảm bảo chất lượng hoạt động cốt lõi của cơ sở GD ĐH: đào tạo và nghiên cứu khoa học, từ đó tiến tới các hoạt động dịch vụ cộng đồng. Cơ sở GD ĐH cần cam kết rõ ràng đối với việc xây dựng và triển khai chiến lược liên tục cải tiến chất lượng. Chiến lược, chính sách và các quy trình này phải là chính thức và được công bố rộng rãi.
- Xây dựng công cụ, quy trình cơ bản đảm bảo chất lượng: Để các hoạt động dần trở thành "thói quen", cơ sở GD ĐH nên "quy trình" hóa các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng; sử dụng các công cụ cơ bản để đảm bảo chất lượng như thu thập thông tin phản hồi, tự đánh giá, phân tích SWOT...
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quản lí: Xác định hệ thống cơ sở dữ liệu phải được xây dựng làm thế nào để vừa thuận lợi cho công tác điều hành của cơ sở GD ĐH, vừa thuận lợi cho công tác đánh giá chất lượng và các điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường. Cơ sở dữ liệu này là cơ sở để cơ sở GD ĐH sử dụng nhằm đối sánh, tiến hành các hoạt động phân tích điểm mạnh, điểm yếu cũng như cơ hội, thách thức của mình..