TIN TỨC & SỰ KIỆN

Sáng 5/7 tại TPHCM, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVH) đã tổ chức lấy ý kiến cho Dự thảo báo cáo kết quả giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông".

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Đào Trọng Thi. Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cùng tham dự.

Nhiều thành quả quan trọng

Đó là nhận định của Đoàn giám sát UBTVQH, dựa trên kết quả khảo sát mà Đoàn ghi nhận được về giáo dục phổ thông (GDPT) trong thời gian qua. Có thể kể đến: Quy mô và mạng lưới cơ sở được củng cố, phát triển đều khắp, đáp ứng nhu cầu học tập của HS cả nước. Cơ cấu loại hình trường và mô hình tổ chức hoạt động được đa dạng hóa, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.

Đánh giá của UBTVQH cũng cho thấy việc tổ chức biên soạn chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) GDPT được tổ chức khoa học, nghiêm túc; bám sát chương trình các cấp học, các môn học; bám sát mục tiêu, đường lối GD của Đảng được quy định trong Luật GD. Nội dung CT SGK GDPT đảm bảo được tính chính xác, khoa học, hiện đại; đã có sự liên thông trong môn học, giữa các môn học, trong một cấp học, giữa các cấp học theo nguyên tắc kế thừa và phát triển; đã chú ý GD toàn diện: trí, đức, thể, mỹ, các kỹ năng cơ bản và hướng nghiệp; xây dựng được chuẩn kiến thức - kỹ năng mỗi cấp học…

Đội ngũ GV và CB QLGD cũng không ngừng được nâng cao về chất lượng, với trình độ chuyên môn đạt và vượt chuẩn bình quân cả nước trên 99% (tiểu học 99,63%; THCS 99,22%; THPT 99,6%); đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng GD.

Trong bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng, lạm phát tăng cao, tỷ lệ ngân sách Nhà nước đầu tư cho GD vẫn liên tục tăng và giữ vai trò chủ yếu trong tổng nguồn lực đầu tư cho GDPT. Chưa kể GDPT còn được đầu tư lớn từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình kiên cố hóa trường học và xây dựng nhà công vụ cho GV. Có thể nói đây là thành quả rất đáng ghi nhận, đi đúng đường lối coi "GD&ĐT là quốc sách hàng đầu" của Đảng, Nhà nước.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị

Quan ngại về thu nhập của nhà giáo

Bên cạnh kết quả đạt được, Đoàn giám sát của UBTVQH đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, bất cập của GDPT. Đầu tiên là chất lượng GDPT còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hầu hết các trường PT vẫn nặng về truyền đạt kiến thức nhằm ứng phó với thi cử. Chất lượng GD đạo đức, lối sống bị sút giảm. Phương pháp GD còn lạc hậu, chậm đổi mới, chưa sâu sát, chưa phát huy được tốt nhất năng lực thực chất của từng HS…

Ở góc độ cơ chế QLGD, việc phân cấp còn chưa hợp lý; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong ngành GD ban hành chậm, thiếu đồng bộ, sự chỉ đạo triển khai còn thiếu sâu sát, hiệu quả chưa cao. Một số chính sách về GD chưa phù hợp với thực tế, thiếu sự đồng thuận của xã hội. Đầu tư cho GDPT vẫn còn tính bình quân, nhiều trường cơ sở vật chất thiếu, lạc hậu hoặc sử dụng kém hiệu quả. Đáng quan tâm nhất là dù GV được tăng lương theo lộ trình Chính phủ đề ra, nhưng giá trị thu nhập thực tế qua lương của đại bộ phận GV còn thấp. Hầu hết CBQLGD các cấp vốn là những nhà giáo giỏi, nhưng khi làm CBQL thì không được hưởng chính sách của nhà giáo, khiến GV và CBQLGD chưa thực sự yên tâm, gắn bó với nghề.

Cần sự chung sức nhiều hơn để phát triển GD

Sau khi nghe Dự thảo báo cáo giám sát của UBTVQH, Hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết và thẳng thắn của các đại biểu về tình hình GD-ĐT nước nhà nói chung và GDPT nói riêng. Bày tỏ sự đồng tình với Dự thảo báo cáo, cũng như các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: Bộ GD&ĐT đang tích cực hoàn chỉnh "Đề án đổi mới căn bản và toàn diện GD", trong đó có GDPT, để trình Trung ương. Bộ trưởng đề nghị khi đánh giá sự phát triển GD, cần có cái nhìn toàn diện, có tính lịch sử. Một số hiện tượng bất cập của GD, không chỉ có ngành GD hoàn toàn chịu trách nhiệm, mà còn có trách nhiệm GD của gia đình HS, trách nhiệm GD của xã hội, trong đó có cả GD toàn cầu hóa.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua GDPT đã đạt được nhiều thành quả lớn cần được nhấn mạnh như: Sự chăm lo to lớn cho GD mầm non, công tác phổ cập GD tiểu học và phổ cập GD THCS đã hoàn thành thắng lợi từ lâu trên cả nước. Việc đầu tư cho GD vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn được ưu tiên đẩy mạnh hơn bao giờ hết. GD mũi nhọn qua hệ thống trường chuyên đạt được nhiều thành tích vang dội.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Ngành GD không bị "bệnh thành tích" nặng như dư luận nhận định, mà đã tích cực, thường xuyên bám sát tinh thần "Dạy thật - Học thật - Thi thật". Những nỗ lực của toàn ngành GD&ĐT thời gian qua để đổi mới, vươn lên là rất đáng trân trọng khích lệ….

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của QH Đào Trọng Thi cũng cho rằng: Chúng ta cần đánh giá thỏa đáng các thành tựu, các hạn chế của ngành GD&ĐT, để QH có chủ trương hợp lý "đổi mới căn bản toàn diện GD". GDPT giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, do đó cần được ưu tiên đầu tư đặc biệt. Trách nhiệm chăm lo phát triển sự nghiệp GD là của tất cả các bộ, ngành, các địa phương, của Đảng, Chính phủ và của toàn xã hội.

Theo Đinh Lê Yên - Báo Giáo dục & Thời đại

Our website is protected by DMC Firewall!