Công tác quản lý nhà nước đối với GDĐH đã có sự chuyển biến; công tác quản lý và tổ chức đào tạo của cơ sở GDĐH đã có những thay đổi tích cực từ nhận thức tới hành động. Tuy nhiên, việc thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về GDĐH còn bất cập và không thống nhất trong cả nước; việc thực hiện Điều lệ trường ĐH, Điều lệ trường CĐ còn chưa nghiêm túc...
Đó là đánh giá của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tại báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 35/2009/QH12 và Nghị quyết 50/2010/QH12 của Quốc hội liên quan đến giáo dục ĐH mới được công bố.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Theo báo cáo giám sát, hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động của GDĐH được bổ sung, hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và cần thiết cho việc quản lý, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GDĐH.
Sau khi có Nghị quyết, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét và thông qua Luật GDĐH với nhiều nội dung đổi mới nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về GDĐH, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đổi mới quản lý nhà nước, đổi mới quản lý của cơ sở GDĐH, nâng cao chất lượng đào tạo.
Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 115/2010/NĐ-CP quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó có GDĐH, theo đó mối quan hệ công tác cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước giữa Bộ GD&ĐT với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong quản lý GDĐH được quy định rõ ràng hơn theo hướng tăng cường phân công, phân cấp trách nhiệm nhưng vẫn bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong quản lý nhà nước về giáo dục.
Trên cơ sở đó, hệ thống văn bản có liên quan như điều lệ, quy chế hoạt động của các loại hình trường; quy định về mở ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ; quy định cho phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ; quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh;... đều đã được sửa đổi, thay thế để đảm bảo thống nhất thực hiện.
Căn cứ vào đó, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường tại nhiều cơ sở GDĐH trong cả nước. Kết quả xử lý sau kiểm tra đã đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với 4 trường ĐH, CĐ; đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với 17 ngành của 9 cơ sở GDĐH; giảm 20% chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 của 1 cơ sở đào tạo và có văn bản cảnh báo đối với 9 trường chưa có đất, chưa xây dựng cơ sở vật chất cũng như có văn bản cảnh cáo đối với các trường đã có đất nhưng chưa triển khai xây dựng cơ sở vật chất.
Tuy nhiên, việc phân cấp quản lý nhà nước đối với cơ sở GDĐH còn chưa thống nhất. Đồng thời, việc phân cấp thẩm quyền kiểm tra, xác nhận điều kiện mở ngành/chuyên ngành đào tạo các trình độ CĐ, trình độ ĐH và trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho Sở GD&ĐT các địa phương còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện vì không phải địa phương nào cũng có đủ nhân lực và cán bộ có đủ trình độ, năng lực để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, việc thực hiện Điều lệ trường ĐH, Điều lệ trường CĐ của một số cơ sở chưa nghiêm túc...
Siết chặt quản lý đào tạo liên thông, liên kết
Báo cáo giám sát nhận định: Thời gian qua, phương thức đào tạo liên thông đã góp phần đào tạo bổ sung hàng trăm ngàn cán bộ có trình độ ĐH và CĐ cho các tỉnh/ thành trong hệ thống quản lý và hoạt động chuyên môn.
Tuy nhiên, nhiều cơ sở đào tạo đã lạm dụng phương thức đào tạo này để tăng nguồn thu, thậm chí một số cơ sở GDĐH còn vi phạm quy chế khi tuyển sinh học viên tốt nghiệp TCCN, CĐ loại trung bình mà không cần thâm niên công tác hoặc thực hiện đào tạo vào các buổi tối hoặc ngày nghỉ cuối tuần nhưng lại cấp bằng chính quy,…
Nhiều chương trình đào tạo liên thông chính quy bị cắt xén một cách cơ học, không dựa trên hàm lượng kiến thức mà người học đã tích lũy ở bậc học trước đó.
Để siết chặt quản lý đối với phương thức đào tạo liên thông, mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 55/2012/TT-BGDĐT quy định về đào tạo liên thông, theo đó việc tuyển sinh, đào tạo liên thông, nhất là liên thông cấp bằng chính quy được quy định rất chặt chẽ.
Việc liên kết đào tạo trong nước cũng đã có những đóng góp nhất định vào việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện và cơ hội tiếp cận với đào tạo trình độ cao cho đối tượng người học vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động liên kết đào tạo trong nước thời gian qua, đặc biệt là việc tổ chức đào tạo liên kết ngoài cơ sở chính để cấp bằng CĐ, ĐH chính quy bộc lộ nhiều bất cập; nội dung, chương trình đào tạo cũng thường bị cắt xén; cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị liên kết còn thiếu thốn, lạc hậu, không phù hợp,… dẫn tới chất lượng đào tạo liên kết không bảo đảm.
Từ năm 2010 đến nay, Bộ GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài tại 27 cơ sở GDĐH và thanh tra 12 đơn vị khác đang tổ chức hoạt động đào tạo có yếu tố nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, qua đó đã kịp thời phát hiện những bất cập và chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài của các cơ sở như yêu cầu lập hồ sơ xin phép liên kết đào tạo theo đúng quy định; đình chỉ một số chương trình liên kết đào tạo và xử phạt vi phạm hành chính 10/12 đơn vị, buộc dừng hoạt động tuyển sinh và tổ chức đào tạo trái phép trên lãnh thổ Việt Nam, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người học.
Về hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài, cơ quan quản lý nhà nước đã chú trọng hơn tới việc quản lý các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài nhằm một mặt bảo đảm phát huy mặt mạnh của liên kết đào tạo, mặt khác ngăn chặn, hạn chế những nguy cơ, rủi ro của hoạt đông liên kết đào tạo với nước ngoài.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Bộ GD&ĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài cũng như tăng cường đảm bảo thực hiện tốt công tác thẩm định và cấp phép các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài trong thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế. Tiến độ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật về liên kết đào tạo với nước ngoài còn chậm; nhiều vấn đề mới phát sinh, nhiều nội dung không phù hợp kéo dài nhưng vẫn chậm được sửa đổi, bổ sung. Công tác thanh tra, kiểm tra trong liên kết đào tạo với nước ngoài chưa đủ rộng khắp. Công tác thẩm định năng lực của đối tác liên kết còn chưa sâu sát...
Theo Hải Bình - Báo Giáo dục & Thời đại