TIN TỨC & SỰ KIỆN

Kiểm tra đánh giá trong giáo dục có giá trị không chỉ cho người dạy, người học mà còn cả nhà quản lý. Đây là khâu cơ bản và then chốt để nâng cao chất lượng dạy học. Tuy nhiên, hiện nay trong thực tiễn giáo dục, kiểm tra đánh giá chưa được giáo viên, học sinh sử dụng xứng tầm giá trị sư phạm của nó.

Phóng viên Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề trên cùng GS Đinh Quang Báo - Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Thưa GS Đinh Quang Báo, ông có nhận xét gì về thực trạng kiểm tra đánh giá trong giáo dục hiện nay?

Hiện nay, kiểm tra đánh giá mới chỉ nghiêng về đánh giá xếp hạng, cho lên lớp, cho tốt nghiệp. Còn chức năng thu nhận thông tin phản hồi để giúp cho thầy và trò điều khiển quá trình dạy học rất ít. Nếu có thì cũng là ngẫu nhiên chưa được nhận thức như là một nguyên tắc sư phạm.

Thực tế cũng cho thấy, đánh giá thường xuyên hiện nay còn yếu. Thứ nhất bởi tần số đánh giá không thường xuyên. Thứ hai, khi đánh giá thường xuyên không chú ý phân tích định tính để giáo viên và học sinh biết và kịp thời sửa chữa, điều chỉnh cách dạy cách học. Tóm lại, kiểm tra đánh giá không chỉ không đúng lúc kịp thời mà còn đưa lại thông tin phiến diện về kết quả dạy học.

Khi thông tin phản hồi không thường xuyên kịp thời sẽ làm cho lỗ hổng kiến thức của học sinh ngày càng lớn, càng bị khoét sâu thêm và kết quả là học sinh ngày càng đuối về học lực. Hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp” có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân giáo viên và học sinh không thường xuyên thu nhận thông tin phản hồi để uốn nắn điều chỉnh việc dạy việc học. Giá trị điều khiển của thông tin phản hồi phụ thuộc vào chất lượng của các thông tin đó. Chất lượng được đánh giá bởi khả năng phản ánh chính xác, đầy đủ mục tiêu dạy học bao gồm các lĩnh vực về kiến thức, kỹ năng hành động, thái độ.

Đánh giá hiện nay vẫn chỉ là dựa vào khối lượng kiến thức để xếp hạng học trò. Học sinh nào nhớ được nhiều kiến thức, thu được nhiều nội dung thì được điểm cao, ít thì điểm thấp. Còn đánh giá năng lực học sinh thông qua những tình huống, vấn đề có giá trị ứng dụng thực tiễn, sát với thực tiễn, học sinh giải được những bài tập đòi hỏi vận dụng kiến thức một cách tích hợp... thì chưa được quan tâm và chưa phát triển được năng lực người học.

GS có thể dẫn ra một số minh chứng về những khiếm khuyết trong kiểm tra đánh giá?

Các bài kiểm tra chỉ chú ý đánh giá kiến thức và khi chấm điểm giáo viên chỉ cho điểm mà không nhận xét định tính, chỉ ra chỗ được và chưa được trong bài làm của học sinh. Việc tổ chức trả bài kiểm tra thì rất hình thức, không biến việc làm đó thành một hoạt động tổ chức học sinh suy ngẫm trải nghiệm; Kết quả kiểm tra đánh giá không được giáo viên lưu giữ một cách hệ thống trong một hồ sơ có giá trị như một “cuốn y bạ” lưu lại “bệnh án” của từng “bệnh nhân”, nghĩa là kiểm tra đánh giá trong giáo dục chưa được giáo viên sử dụng như một hồ sơ để liên tục tác động uốn nắn, dạy học phân hóa đến từng cá nhân học sinh.

Cùng điểm 7 nhưng chắc chắn hàng chục học sinh đạt điểm sẽ có cách tư duy để đạt đến kết quả không giống nhau. Cũng như vậy, học sinh bị điểm kém thì mỗi em một kiểu chứ không thể ngần ấy học sinh cùng chung một “bệnh”. Điểm là mã hóa, quy lượng ra kết quả đạt được nhưng đằng sau số điểm ấy phải chứa đựng thông tin phản hồi là cái gì. Không phải ngẫu nhiên mà trong tờ giấy kiểm tra, ô điểm bao giờ cũng nhỏ và ô lời phê để rộng hơn hẳn. Thế nhưng hiện nay ô lời phê vẫn bị bỏ trống rất nhiều. Giáo viên chỉ nhăm nhăm cho điểm để xếp hạng học trò.

Như GS vừa lý giải thì rõ ràng điểm số trong một bài kiểm tra không phải là tất cả những gì mà học trò mong nhận được từ người thầy?

Đúng vậy. Thậm chí điểm số rất ít tác dụng và nếu không nói là nó có tác hại về mặt tâm lý người học nếu thầy cô chỉ lượng hóa mà không phân tích sản phẩm dạy học của mình đạt được, học trò đạt được.

Nếu cứ đánh giá như vậy, học sinh yếu kém không biết được mình còn thiếu gì để bổ sung sửa chữa, học sinh giỏi không biết mình được điểm 10 giỏi ở đâu để sau này còn phấn đấu phát huy. Đánh giá như hiện nay mới chỉ phân tích được định lượng chứ không phân tích được định tính của học trò, cũng như của người dạy đạt được.

Để quá trình kiểm tra đánh giá trong giáo dục đạt hiệu quả, giáo viên cần quan tâm đến vấn đề gì, thưa GS?

Trước hết, giáo viên cần quan tâm đến việc kết hợp đánh giá quá trình và đánh giá tổng hợp. Tiếp đó, phải quan tâm đến việc thiết kế các công cụ kiểm tra đánh giá phản ánh được đầy đủ các tiêu chí mà chuẩn đầu ra quy định. Thứ ba, giáo viên cần quan tâm đến tổ chức học sinh tự đánh giá trên cơ sở những nhận xét định tính mà giáo viên đã nêu ra. Mặt khác, giúp học sinh thấy được rằng kiểm tra đánh giá phải là một động lực thúc đẩy sự nỗ lực cá nhân. Làm sao để việc kiểm tra đánh giá diễn ra liên tục, kịp thời uốn nắn, sửa chữa, giúp học sinh đạt được kết quả cuối cùng tốt nhất...

Và để nâng cao chất lượng giáo dục cũng không thể bỏ qua khâu đổi mới kiểm tra đánh giá?

Đó là một giải pháp đổi mới rất cơ bản và có thể là một động lực cho đổi mới toàn diện quá trình dạy học. Thật vậy, đánh giá là để trắc nghiệm kết quả học tập nhưng ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình dạy học, của quá trình giáo dục. Đánh giá thay đổi thì sẽ tác động đến các yếu tố khác của quá trình dạy học (từ cách xác định mục tiêu, đầu vào, quá trình dạy học, phương pháp dạy... đến sản phẩm đầu ra).

Nếu cứ kiểm tra đánh giá như hiện nay thì học sinh vẫn không tránh được quá tải, nhồi nhét. Hơn nữa, sự yếu kém của kiểm tra đánh giá sẽ tác động đến tâm lý của người học. Học trò sợ kiểm tra, sợ bị điểm kém, học trò xấu hổ với việc mình bị điểm kém. Và có không ít trường hợp học sinh đã có hành vi, phản ứng tiêu cực, thui chột ham muốn học hành, thui chột tâm lý muốn đến trường. Học sinh đã kém lại càng kém.

Giáo dục là phải làm cho học sinh thích học, đánh giá phải là một động lực cho học trò phấn đấu và thích vươn lên.

Vậy theo GS, nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra đánh giá cần bắt đầu từ đâu?

Cần bắt đầu từ hoạt động quản lý thực hiện chương trình giáo dục, xem giáo dục là một quá trình điều khiển được nhờ tạo ra hệ thông tin phản hồi phản ánh được các phẩm chất năng lực của học sinh. Hiện nay, kiểm tra đánh giá và xếp loại học sinh chủ yếu quan tâm đến kiến thức. Vì vậy, người dạy và người học tù mù về năng lực vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề nhận thức và thực tiễn. Tính khiếm khuyết này đã đặt ra vấn đề khi mục tiêu giáo dục phổ thông hướng vào phát triển năng lực học sinh thì kiểm tra đánh giá phải trắc nghiệm phản ánh được mức độ phát triển năng lực. Khi đó, kiểm tra đánh giá không chỉ là đo lường kết quả mà còn chính là nội dung phương pháp giáo dục.

GS có đề xuất giải pháp nào để nâng cao hiệu quả khâu kiểm tra đánh giá hiện nay?

Thứ nhất, cần thay đổi về tiêu chí đánh giá học trò. Thứ hai, giáo viên phải được bồi dưỡng đào tạo về năng lực đánh giá. Thứ ba là tập huấn cho giáo viên lý luận về đánh giá theo năng lực, phân biệt và đánh giá theo năng lực, đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết, đồng thời tích hợp cả hai cách đánh giá đó. Đặc biệt, cần bồi dưỡng cho giáo viên về năng lực thiết kế công cụ đánh giá bởi đây là công việc cực kỳ khó khăn...

Xin cám ơn GS!

 

Giáo dục hiện theo hướng hình thành năng lực học sinh. Và theo hướng đó thì cả nội dung, phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá cũng hướng vào phát triển năng lực học sinh. Trong đó, kiểm tra đánh giá có chức năng đánh giá nội dung phương pháp giáo dục và để thực hiện được chức năng “ba trong một” đó thì cần phải có những đổi mới căn bản về kiểm tra đánh giá.

 

Theo Sông La - Báo Giáo dục & Thời đại

DMC Firewall is developed by Dean Marshall Consultancy Ltd