TIN TỨC & SỰ KIỆN

Thế nào là “đạo văn”, nhiều SV trường ĐH còn rất mơ hồ. Nhiều SV cho rằng việc “copy & paste” các tài liệu có sẵn từ Internet hay trong sách về là chuyện bình thường.

"Cắt dán" khác đạo văn (!?)

Thế nào là “đạo văn”, nhiều SV trường ĐH còn rất mơ hồ. Nhiều SV cho rằng việc “copy & paste” các tài liệu có sẵn từ Internet hay trong sách về là chuyện bình thường.

Bạn Trần Thị Uyên Khương - SV năm 3 ngành Công nghệ thông tin (ĐH SPKT TPHCM) - chia sẻ: “Thực chất mình nghĩ 2 từ đạo văn chỉ được nói nghiêng nhiều về văn học khi chúng ta lấy bài văn của người khác làm bài văn của mình. Vì hồi học THCS, THPT mình thường thấy chỉ có thầy dạy văn mới nói câu đó khi học sinh lấy bài văn mẫu ra chép nguyên xi không sai từng dấu chăm, dấu phẩy trong đó…”. Một SV khác cho rằng: “Ngành học của mình, nhiều môn thầy cô cho làm đồ án nhưng SV chưa học tới mà phải tự nghiên cứu để làm, mà thời gian thì có hạn nên chúng mình thường lên mạng copy code của mọi người về đọc hiểu rồi sửa lại một ít rồi trở thành sản phẩm của mình. Chứ hiếm trường hợp bạn nào viết một bài code hoàn toàn trong đó là ý tưởng của mình. Khi mình hỏi mấy bạn trong lớp mình thì ai cũng nói đó không phải là đạo văn. Vì ở đây đâu phải là làm bài tập làm văn đâu mà đạo được…”.

Khái niệm về “đạo văn” cũng như tính minh bạch trong học tập, nghiên cứu khoa học vẫn chưa được nhiều trường chú trọng. PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - cho rằng: “Hiện nay, 100% đề tài tốt nghiệp của học viên cao học có tình trạng “copy & paste” từ các nguồn tài liệu khác nhau. Trong đó, nhiều trường hợp bị xử lý làm lại…”. Tiến sĩ Trần Mạnh Hùng – Phó hiệu trưởng ĐH Bạc Liêu, phân tích: “Do SV nhận thức chưa đúng đắn và đề tài NCKH hay tiểu luận, khóa luận tốt nghiệp thường là chung chung, nặng về lý thuyết, thiếu thực tiễn và do chế độ dành cho người hướng dẫn còn chưa phù hợp, tỷ lệ SV/GV hướng dẫn quá tải...”.


Còn tiến sĩ Lê Tuấn Sơn - Phó Trưởng Khoa Đào tạo đại học bằng thứ 2 (ĐH HUFLIT) thì cho rằng: “Một bộ phận không nhỏ các trường chưa có quy chế xử lý vấn đề này. Khi phát hiện, “đạo văn” không chỉ liên quan tới đối tượng vi phạm mà còn liên quan đến GV hướng dẫn, hội đồng phản biện… mà đa số các đối tượng này là những người có học hàm, học vị cao, có uy tín lâu năm. Nếu đưa ra xử lý công khai thì ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng đào tạo của bản thân giảng viên nói riêng và đơn vị nói chung. Bên cạnh đó, còn tồn tại vấn đề “đo gang cho điểm”.

Việc phát hiện ra SV đạo văn cũng không dễ dàng chút nào. Tiến sĩ Võ Văn Nhơn (ĐHKHXH & NV TPHCM), cho biết: “Việc phát hiện ra SV đạo văn ở lĩnh khoa học xã hội rất mất thời gian, đòi hỏi người giáo viên phải chịu khó tìm tòi đối chiếu các tài liệu trên Internet. Ở khoa Ngôn ngữ và Văn học của trường cũng đã xử lý kỷ luật với hình thức buộc làm lại nhiều trường hợp SV làm khóa luận tốt nghiệp đạo  văn. Hiện tại ở trường cũng chưa có văn bản nào quy định về việc xử lý SV đạo văn. Bên cạnh đó, việc xử lý khi phát hiện SV đạo văn cũng chưa mạnh tay, không đủ sức răn đe.

Phòng chống: Nơi quyết liệt, nơi xuê xoa

Năm học 2012 - 2013, Trường ĐH Hoa Sen TPHCM lấy khẩu hiệu: “Sống tử tế, học đàng hoàng, kết nối năm châu” làm chủ đề cho năm học. Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng chia sẻ: “Nhiều người đều thấy hình như cách diễn đạt đó nói lên được mong muốn mạnh mẽ nhất, không chỉ của người làm giáo dục, mà cả của sinh viên, gia đình họ, của toàn xã hội. Giá trị của một nền giáo dục đích thực không chỉ đảm bảo bằng tiền, mà đòi hỏi người dạy phải tử tế, người học phải đàng hoàng. Hình như đó vừa là điều căn cơ nhất mà bất kỳ nền giáo dục chân chính nào cũng không thể không hướng tới mà lại cũng là điều thiếu vắng, kém cỏi, hiếm thấy hiện nay trong thực tế cả trong và ngoài nhà trường…”.

Song song với khẩu hiệu đó, CLB FACE của ĐH Hoa Sen đã phối hợp với một số đơn vị trong và ngoài trường tổ chức các buổi giao lưu phát động phong trào “Tôi học thật”. Tuy nhiên, qua hai lần tổ chức các hoạt  của CLB FACE, Trường ĐH Hoa Sen cho biết nhiều SV chưa hiểu về bản chất đạo văn. Bên cạnh đó, sự ủng hộ của GV và SV đối CLB này chưa nhiều, vì vậy nhà trường tạm dừng các hoạt động như trên và chuyển hướng sang công tác tuyên truyền phòng tránh, chống đạo văn và tập trung tuyên truyền về sự minh bạch trong giáo dục. Các nội dung quy định về liêm chính học thuật như: Hành vi vi phạm liêm chính học thuật bao gồm bịa đặt, đạo văn và hỗ trợ giúp người khác vi phạm; hướng dẫn trích dẫn; xử lí hành vi vi phạm liêm chính học thuật.


Bà Thái Thị Thanh Thủy, Giám đốc thư viện ĐH Hoa Sen - cho biết: “Bước đầu nhà trường đã thí điểm sử dụng phần mềm chống đạo văn bằng tiếng Việt của Mỹ (do Công ty TURNITIN của Mỹ cho phép trường dùng thử trước khi mua chính thức), áp dụng vào một số môn và đã có một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, chương trình này cần có sự nghiên cứu thử nghiệm trong một thời gian nhất định tại một số trường trước khi có thể triển khai trong hệ thống các trường ĐH, CĐ…”.

Sự quan tâm quyết liệt của ĐH Hoa Sen vẫn chỉ là Don Quixotes chống cối xay gió khi vấn đề chống đạo văn trong SV ở các trường ĐH, CĐ… hiện nay dường như đang bỏ ngỏ, phần lớn “phó thác” trách nhiệm này cho giảng viên hướng dẫn đề tài và GV phản biện. GS.TS Nguyễn Đông Phong – Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TPHCM cho biết, nhà trường đang làm phần mềm chống đạo văn. PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc – Trưởng khoa Cơ khí ĐH Bách Khoa TPHCM cũng cho biết, Khoa CNTT của trường cũng đang làm phần mềm này.

Một lãnh đạo khoa Cơ khí chế tạo máy (ĐH SPKT TPHCM) chia sẻ: “Ở khoa Cơ khí đầu môn học có cho SV ký cam kết không đạo văn. Việc đạo văn ở các ngành kỹ thuật không khó để phát hiện, quan trọng là người thầy có nhạy và sâu sát hay không thôi. Tuy nhiên việc xử lý SV “đạo văn” lại là vấn đề đáng nói. Có lần, tôi ngồi hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp thì phát hiện ra 1 SV đạo đề tài trên mạng. Đáng lý ra SV đó bị chấm rớt, nhưng do thầy hướng dẫn và thầy phản biện đã chấm đậu nên cuối cùng hội đồng buộc em đó làm lại và cho 5 điểm coi như đậu, nhưng với đồ án tốt nghiệp 5 điểm thì khi đi xin việc làm cũng rất khó thuyết phục được nhà tuyển dụng…”.


Có lẽ, quyết định kỷ luật 18 SV “đạo văn” trong khi làm đề tài NCKH với hình thức hủy kết quả và bắt làm lại năm sau của ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) do hiệu trưởng Trần Hành ký tháng 6/2010 là trường hợp hiếm hoi nhất. Việc xử phạt SV đạo văn vì không có qui định rõ ràng nên nhiều GV cũng tỏ ra lúng túng và xử lý rất cảm tính, đa phần xử lý theo kiểu nội bộ, cao lắm là xin lỗi tác giả bị “đạo văn”.

Một giảng viên khoa Ngôn ngữ & Văn học (ĐH KHXH&NV TPHCM), cho biết: “Có trường hợp một SV của khoa làm luận văn tốt nghiệp được hội đồng chấm điểm đạt loại giỏi sau đó khoa mới trích 1 chương đầu đưa lên trang web thì ít ngày sau một tác giả ở Hà Nội gửi email về tố giác đề tài trên SV lấy toàn bộ bài viết của mình; sau khi tham khảo đối chiếu và làm việc với SV trên thì đúng như vậy, GV hướng dẫn và SV đạo văn đã xin lỗi tác giả và xin không làm lớn chuyện. Sự việc kết thúc tại đó…”.

Hành động được coi là đạo văn:

- Lấy cắp ý tưởng, từ ngữ của người khác làm của mình.

- Sử dụng sáng tác của người khác mà không nêu tên tác giả.

- Trình bày một ý tưởng hoặc sản phẩm mới nhưng thực ra lấy từ một nguồn đã có sẵn.

Đạo văn là hành vi gian trá bao gồm việc tước đoạt công trình của người khác và sau đó nói dối về việc này (Merriam - Webster Online Dictionary).

Những hành vi bị nhầm lẫn là đạo văn:

- Dẫn giải không phải là đạo văn: Đúng khi toàn bộ cấu trúc câu chữ phải là của bạn, không chỉ đổi một vài từ của câu gốc, và phải ghi rõ nguồn trích dẫn.

- Đặt câu trích trong ngoặc kép là đủ: Đúng khi bạn ghi rõ nguồn trích.

- Không lo lắng khi sử dụng thông tin trên mạng, vì internet là sở hữu công cộng: “Sai vì không phải tất cả thông tin trên mạng đều thuộc sở hữu công cộng. Sử dụng thông tin trên mạng vẫn phải ghi nguồn như thông tin giấy.

(Tài liệu “Phòng tránh đạo văn và cách lập danh mục tham khảo” do CLB FACE ĐH Hoa Sen thực hiện)

 


Theo Báo Giáo dục & Thời đại

Our website is protected by DMC Firewall!