“Tôi chỉ ủng hộ phương án cho các trường văn hóa nghệ thuật có thi năng khiếu được thí điểm tuyển sinh riêng mà thôi, chứ không thể làm thí điểm đối với tất cả các trường ngoài công lập (NCL) được” - NGƯT Lê Công Cơ - Chủ tịch HĐQT, Q.Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân khẳng định.
NGƯT Lê Công Cơ
NGƯT Lê Công Cơ: 4 trường này muốn tuyển sinh riêng vì số lượng hay vì chất lượng? Tôi không có ý phê phán đối với họ, nhưng không thể không đặt ra các câu hỏi: Vì họ tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, hay họ muốn có chất lượng hơn “3 chung”? Nếu họ tuyển sinh như phương án đề ra thì họ sẽ tuyển trước “3 chung” hay là cùng một lúc, hay tuyển sau “3 chung”? Giả thiết họ tuyển trước “3 chung” thì liệu có ai dám ghi tên cho họ tuyển? Nếu tuyển cùng thì thí sinh thi “3 chung” chứ chọn gì các trường này! Còn nếu tuyển sau “3 chung” có nghĩa là tuyển số học sinh thi rớt đại học, là chạy theo số lượng mất rồi. Học sinh có 2 con đường lựa chọn: Một là thi vào các trường công lập, hai là được tuyển chọn vào các trường NCL. Anh tự đưa ra phương án tuyển sinh có nghĩa là tự xếp ở hàng thứ ba; thế thì HS có dám vào trường không? Cha mẹ có dám bảo con em mình ghi tên không? Các trường làm như thế là tự hạ thấp mình, nếu không nói là tự “khai tử”.
Nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT không tôn trọng quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường NCL, ý kiến của ông như thế nào?
NGƯT Lê Công Cơ: Đất nước mình đi vào con đường hội nhập thế giới. Muốn CNH - HĐH thì ĐH phải đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng. Bằng cấp của các trường Việt Nam phải được thế giới thừa nhận chứ không phải là để từ chối. Như vậy vấn đề tự chủ của ĐH phải trên cơ sở lấy chất lượng đào tạo gắn với yêu cầu của xã hội Việt Nam hiện tại, chứ không phải tự chủ một cách vô nguyên tắc.
Trong tương lai, nếu có trường NCL nào đó mà đạt được yêu cầu cao về chất lượng thì cũng nên cho họ tự chủ về tuyển sinh. Chứ trường nào cũng đòi tự chủ, tuyển sinh một cách ào ạt thì lấy đâu chất lượng? Ví như ta nuôi một đứa con, về lý thuyết tới 18 tuổi là có thể chấp nhận cho nó tự lập được nhưng trong thực tế thì gia đình nào cũng phải lo tới lúc ngoài hai mươi, khi đã “chín” rồi thì mới cho phép tự lập ngoài xã hội được chứ.
Ngày nay phần lớn doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tuyển dụng người làm việc có chất lượng. Ngay như trường chúng tôi, dù có thể không tuyển đủ SV nhưng không chấp nhận việc tuyển sinh viên kém chất lượng. Cạnh tranh về chất lượng là một cuộc cạnh tranh lành mạnh. Cho tuyển sinh chung mà còn như thế, huống hồ gì để tuyển sinh riêng rồi gọi là “tự chủ”. Liệu sản phẩm đào tạo ra chất lượng thấp xã hội có chấp nhận được hay không?
Làm thủ tục vào phòng thi
Cũng có ý kiến đề nghị bỏ “3 chung” cũng như bỏ điểm sàn...?
NGƯT Lê Công Cơ: Nhiều người cứ so với nước này, nước khác là không thực tế. Tôi được biết ở Mỹ, họ tạo dựng một chuẩn khá tốt ở bậc học phổ thông. Từ lớp 1 tới lớp 12, họ làm một test chung cho toàn Liên bang hàng năm lại phân loại xem học sinh ở trình độ nào. Xong THPT là xong tú tài, nhưng phải thi một SAT của Mỹ để kiểm định lại xem có đạt chuẩn hay không.
Được biết Bộ GD&ĐT cũng đang tạo dựng “chuẩn” để tính toán tới việc có thể bỏ “3 chung” vào năm 2015. Nhưng xem ra làm cái “hàng rào chuẩn” này với 63 tỉnh thành là khó khăn, vì còn phụ thuộc vào cái gọi là “cơ chế” là áp lực ở địa phương này, địa phương khác. Bộ phải có bản lĩnh, có sự tính toán thật kỹ về mặt chất lượng thì mới làm được. Nhưng tôi tin là dù khó Bộ cũng quyết tâm làm và sẽ làm được để mà theo kịp yêu cầu của xã hội hiện đại.
Anh đòi phải bình đẳng, phải nằm trong hệ thống được cấp văn bằng quốc gia mà cứ đòi ở ngoài luồng, nếu Bộ GD&ĐT chấp nhận thì phải trả lời xã hội làm sao đây về các trường “loại 3” này”? Tôi mà ở vị trí Bộ trưởng, tôi cứ chấp nhận cho họ tuyển sinh cùng lúc với “ba chung” xem họ có tồn tại được không?
Theo Nguyễn Thị Thúy Hồng - Báo Giáo dục & Thời đại