TIN TỨC & SỰ KIỆN

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm vì sự nghiệp chung, nhiều quan điểm, ý kiến được trình bày và cũng lý giải thấu đáo để đi đến thống nhất chung là tất cả đều phải bảo đảm cho sự phát triển bền vững.

Sau buổi làm việc giữa Hiệp hội và Bộ GD&ĐT, Báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bùi Văn Ga về những nội dung quan trọng liên quan cũng như tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CD 2013.

Quan điểm của Thứ Trưởng về đề xuất của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập về việc xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông thay cho kết quả thi “3 chung”?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trên nguyên tắc thực hiện đúng theo tinh thần Luật Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT ủng hộ tất cả các trường chủ động xây dựng các phương án tuyển sinh riêng. Phương án sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông để xét tuyển vào đại học cao đẳng đã được Bộ đưa ra tham khảo ý kiến dư luận khi bắt đầu cuộc vận động “Hai không”. Tuy nhiên do có rất nhiều ý kiến chưa đồng tình nên chưa thực hiện được. Bộ cũng đang nghiên cứu phương án tuyển sinh này trong lộ trình đổi mới tuyển sinh sau 2015.

Việc sát nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một ngay trong năm nay là khó có thể thực hiện được vì cần phải có thời gian chuẩn bị. Mọi sự thay đổi lớn trong tuyển sinh cần được thông báo trước cho học sinh vài ba năm chứ không thể làm ngay được. Tính chất của 2 kỳ thi này rất khác nhau vì vậy cấu trúc đề thi cũng không giống nhau. Đề thi tuyển sinh cần có tính phân loại cao để các trường có thể chọn được thí sinh phù hợp vào học các ngành có yêu cầu trình độ khác nhau. Yêu cầu công tác tổ chức thi, công tác chấm thi, thanh tra thi tuyển sinh ĐH, CĐ… cũng khác nhiều so với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông do đây là kỳ thi mang tính cạnh tranh.

Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 này, Bộ GD&ĐT đã cho phép 10 trường khối văn hóa nghệ thuật với các ngành đặc thù năng khiếu được xét tuyển môn văn dựa trên kết quả học tập 3 năm phổ thông và kết quả thi tốt nghiệp phổ thông. Đây là môn điều kiện, không mang tính quyết định nhiều đối với kết quả thi của thí sinh các ngành nghệ thuật. Các thí sinh này phải thi 2 môn năng khiếu và mỗi môn đều có hệ số 2. Tuy vậy vừa qua xã hội có nhiều ý kiến băn khoăn việc xét tuyển môn Văn thay cho thi tuyển khó đảm bảo về chất lượng đầu vào. Chỉ mới áp dụng việc xét tuyển một môn thi mang tính điều kiện ở một phạm vi rất hẹp mà xã hội đã cảm thấy chưa yên tâm về chất lượng. Nay nếu chúng ta xét tuyển nhiều môn thì phải lường trước việc dư luận đánh giá chất lượng đối với đầu vào các trường này. Điều này sẽ gây tâm lý lo ngại đến chất lượng đầu ra làm ảnh hưởng đến quyền lợi của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Luật Giáo dục Đại học cho phép các trường chủ động trong tuyển sinh, vậy quyền được chủ động trong tuyển sinh đối với các nhà trường có thể hiểu thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga:  Quyền được tự chủ tuyển sinh của các trường đã được khẳng định trong Luật Giáo dục Đại học, nhưng các trường phải xây dựng đề án. Việc tuyển sinh riêng phải đảm bảo công bằng, không phát sinh khó khăn, căng thẳng mới cho xã hội và không tái diễn luyện thi. Đề án cũng nêu rõ cơ chế kiểm tra, giám sát của xã hội về chất lượng tuyển sinh để đảm bảo tuyển sinh riêng không làm giảm sút chất lượng thí sinh so với phương án hiện nay.

Yêu cầu các trường phải có đề án tuyển sinh riêng không phải là tạo cơ chế “xin cho” mà là việc cơ quan quản lý Nhà nước cần làm để đảm bảo quyền lợi người học. Một phương án tuyển sinh riêng tốt được Bộ đồng ý cho thực hiện nghĩa là chất lượng đầu vào đảm bảo dù không dùng chung thước đo “3 chung” để xã hội yên tâm và sinh viên tốt nghiệp có cơ hội việc làm bình đẳng như những sinh viên khác. Đề án tuyển sinh riêng của 10 trường khối văn hóa nghệ thuật đã được Bộ phê duyệt cho thực hiện từ năm 2013 dựa trên nguyên tắc đó.

Kỳ thi “3 chung” với mức điểm sàn chung đã được thực hiện ổn định hơn 10 năm nay. Kỳ thi này đã xử lý được rất nhiều bất cập trước đó khi các trường tuyển sinh riêng lẻ. Xã hội đã yên tâm về chất lượng và tính nghiêm túc của kỳ thi này. Nay thực hiện một phương án khác thì cần phải thận trọng bởi mục đích cuối cùng vẫn là chất lượng đầu ra của các nhà trường. Phương án tuyển sinh riêng dễ dãi có thể giúp một vài trường khó tuyển sinh hiện nay lấp đầy chỉ tiêu trước mắt. Vài năm sau đó, khi chất lượng đào tạo không đảm bảo, người tuyển dụng quay lưng đối với sinh viên tốt nghiệp thì khó khăn này sẽ lặp lại. Khi đó việc xử lý vấn đề này sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều.

Bộ GD&ĐT sẽ không chấp nhận việc hy sinh chất lượng để đảm bảo số lượng tuyển sinh của bất cứ trường nào.

Mùa tuyển sinh 2013 này, một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn tuyển cho các trường là thay đổi điểm sàn, đã có nhiều đề xuất được đưa ra như bỏ điểm sàn, tính điểm sàn theo khu vực, vùng miền hay đẳng cấp trường. Vậy quan điểm của Bộ GD&ĐT về vấn đề này thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Điểm sàn của kỳ thi “3 chung” là ngưỡng tối thiểu mà thí sinh có thể học được ở bậc đại học, cao đẳng tương ứng. Vì vậy số lượng thí sinh trên điểm sàn có thể rất nhiều so với chỉ tiêu dự kiến. Các trường tuyển sinh sẽ lấy thí sinh có kết quả từ cao xuống thấp nhưng không được dưới ngưỡng tối thiểu này, đến khi đạt chỉ tiêu. 

Hiện nay Bộ đang xây dựng dự thảo Nghị định phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học. Khi văn bản này chưa được ban hành thì chưa có cơ sở để phân định mức điểm chuẩn cho từng tốp trường. Vì vậy kỳ thi tuyển sinh năm nay cũng chỉ có một mức điểm sàn chung. Tuy nhiên trong thực tế các trường đại học có uy tín, để đảm bảo chất lượng vẫn giữ điểm chuẩn vào trường ở mức cao, không vì mục tiêu số lượng mà hy sinh chất lượng.

Còn năm nay, điểm sàn sẽ có thay đổi chứ không cứng nhắc như các năm trước. Bộ đang nghiên cứu đổi mới cách xây dựng mức điểm sàn sao cho số lượng thí sinh đạt điểm sàn dồi dào hơn, tạo nguồn tuyển cho các trường ở địa phương và các trường ngoài công lập. Dù điểm sàn thay đổi thế nào thì vẫn phải đạt chất lượng tối thiểu. Bộ GD&ĐT mong nhận được nhiều ý kiến về cách tính điểm sàn để lựa chọn phương án tốt nhất.

Bộ GD&ĐT đã có giải pháp gì giúp các trường ngoài công lập vượt qua khó khăn không chỉ trong năm nay mà cả về sau này, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Tôi cho rằng yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là các trường ngoài công lập phải tự nâng cao uy tín, thu hút được thí sinh. Thực tế cho thấy, không phải trường ĐH,CĐ ngoài công lập nào cũng gặp khó khăn trong nguồn tuyển. Nhiều trường đại học dân lập hàng năm vẫn tuyển sinh rất tốt, không có khó khăn gì như Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ, Trường Đại học Hoa Sen ở Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Duy Tân ở Đà Nẵng, Trường Đại học Thăng Long ở Hà Nội, Trường Đại học Võ Trường Toản ở Hậu Giang... Các trường này đã tập trung đầu tư lớn về cơ sở vật chất, đội ngũ, từng bước xây dựng được uy tín với người học.

Luật Giáo dục Đại học đã qui định cơ bản những cơ chế chính sách của Nhà nước đối với các trường ngoài công lập. Luật qui định rõ những trường hoạt động không vì lợi nhuận sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế…, được nhà nước đầu tư, đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học…

Trong khi chờ đợi các văn bản hướng dẫn thi hành các điều khoản nói trên của Luật Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị Chính phủ cho các trường ngoài công lập khi đã được phép hoạt động và tuyển sinh thì được hưởng chính sách thuế ưu đãi, không cần điều kiện 55m2/sinh viên như qui định hiện hành.

Bộ GD&ĐT cũng đã trình Thủ Tướng Chính Phủ dự thảo quyết định điều chỉnh qui hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đến năm 2020 cho sát với tình hình thực tế hơn, hạn chế tối đa việc thành lập các cơ sở giáo dục đại học mới, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 2.

Xin cám ơn Thứ trưởng!                                                                                      

Theo Bạch Ngọc Dư - Báo Giáo dục & Thời đại

DMC Firewall is a Joomla Security extension!