TIN TỨC & SỰ KIỆN

Từ 19 – 21/3 tại Hà Nội sẽ diễn ra một sự kiện lớn của ngành giáo dục (GD) toàn Đông Nam Á: Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng GD các nước Đông Nam Á lần thứ 47 (SEAMEC 47). Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quan trọng này kể từ năm 1975 trở lại đây, sau SEAMEC 40 cũng diễn ra tại Hà Nội vào tháng 3/2005. Từ đó đến nay, chúng ta đã liên tục có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của tổ chức này.

SEAMEO là một tổ chức liên chính phủ ở khu vực Đông Nam Á, được thành lập vào ngày 30/11/1965. Từ 6 thành viên sáng lập vào năm 1965, đến năm 2011, SEAMEO đã có 11 quốc gia thành viên,  chính thức trong khu vực (bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Đông Timor và Việt Nam), 7 quốc gia thành viên liên kết và 3 tổ chức thành viên liên kết.

SEAMEO đã thành lập 20 Trung tâm khu vực và Mạng lưới nhằm triển khai các chương trình nghiên cứu, đào tạo thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, khoa học và văn hóa. Trải qua nhiều giai đoạn hoạt động, các Trung tâm khu vực và Mạng lưới SEAMEO đã có khả năng đào tạo hàng triệu học giả và thực tập sinh đã tốt nghiệp cho các quốc gia thành viên. Hàng ngàn nghiên cứu chuyên sâu đã được thực hiện, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ GD mà còn các lĩnh vực đa dạng khác như: sinh học nhiệt đới, sinh thái học, nông nghiệp, ngôn ngữ, khoa học giảng dạy, toán học, y dược nhiệt đới, y tế cộng đồng, khảo cổ học, và mỹ thuật. 

Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận dẫn đầu tham dự SEAMEC 46 diễn ra tại Brunei Darussalam tháng 1/2011


Tính đến nay, SEAMEO đã thiết lập và duy trì cơ chế hoạt động thông qua các kỳ họp thường niên và các hội nghị nhằm đảm bảo thực thi thành công các nghị quyết và đề xuất của Hội đồng Bộ trưởng GD. 

Hội nghị SEAMEC là diễn đàn cấp bộ trưởng chuyên thảo luận các sáng kiến và chính sách khu vực. Hội nghị đề ra phương hướng thực hiện các chương trình và dự án của SEAMEO và các đơn vị trực thuộc. Tổ chức SEAMEO đã liên tục hoạt động trong suốt 46 năm vừa qua, đã có 46 hội nghị thường niên của Hội đồng Bộ trưởng được tổ chức. Kể từ Hội nghị lần thứ 47 diễn ra tại Hà Nội tới đây, các Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng sẽ được tổ chức hai năm một lần. 

Điều quan trọng sau Hội nghị này là với vai trò Chủ tịch Hội đồng SEAMEO (giai đoạn 2013 – 2015), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam sẽ có nhiệm vụ triển khai sâu rộng Kế hoạch chiến lược của SEAMEO giai đoạn 2011-2020, được thông qua tại SEAMEC 46 với chủ đề “Tăng cường Vai trò và Hiệu quả của SEAMEO”. Kế hoạch chiến lược bao gồm: Kịch bản vàng, Chiến lược trọng tâm, Sứ mệnh, Tầm nhìn, Mục tiêu chiến lược, Lĩnh vực ưu tiên, Giá trị cốt lõi, Năng lực cốt lõi và Phương châm của SEAMEO. Trong đó, chiến lược SEAMEO Vàng đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, quy mô SEAMEO sẽ mở rộng theo chiều hướng tăng số lượng quốc gia thành viên liên kết và tổ chức thành viên liên kết đến từ các khu vực lớn trên thế giới. SEAMEO trở thành một tổ chức quốc tế được công nhận và là đối tác chiến lược của ASEAN trong phát triển giáo dục, khoa học và văn hóa. 

Cũng đến năm 2020, cộng đồng SEAMEO năng động sẽ phát triển mạnh mẽ để đương đầu với các thách thức về kinh tế, xã hội, công nghệ và pháp luật. Uy tín của cộng đồng SEAMEO dựa trên nền tảng các tiêu chuẩn và chính sách GD hài hòa, dựa trên những thành tựu vững chắc đã đạt được từ 1965 đến nay…

Lĩnh vực ưu tiên của SEAMEO trong giáo dục 10 năm tới bao gồm: Những kỹ năng cần thiết trong thế kỷ 21, phát triển chuyên môn cho giáo viên và cán bộ ngành giáo dục, giáo dục cho mọi đối tượng (EFA), giáo dục phục vụ phát triển bền vững (ESD), giáo dục đại học, trung cấp và dạy nghề. 

Những ưu tiên trong lĩnh vực văn hóa bao gồm khảo cổ học, lịch sử, nghệ thuật và thiết kế, đa dạng văn hóa, bản sắc khu vực, bảo tồn di sản, quản lý văn hóa, các phong tục truyền thống và giá trị văn hóa. 

Những ưu tiên trong lĩnh vực khoa học bao gồm nông nghiệp, đa dạng sinh học, công nghệ sinh học, quản lý thiên tai, thực phẩm và dinh dưỡng, tài nguyên thiên nhiên và quản lý môi trường, y tế dự phòng, GD sức khỏe sinh sản và phát triển kỹ năng sống. 

Việc tổ chức thành công Hội nghị SEAMEC 47 và các hoạt động khác trong nhiệm kỳ với vai trò Chủ tịch Hội đồng SEAMEO sẽ thêm một lần nữa góp phần nâng cao uy tín và vị thế của GD-ĐT Việt Nam trong SEAMEO cũng như trong khu vực và quốc tế. Đây cũng là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài và du lịch vào Việt Nam.

Theo Báo Giáo dục &Thời đại

Our website is protected by DMC Firewall!