Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trao đổi nội dung trên tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 9/2020 và tập huấn công tác tuyên truyền Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức – sáng nay (18/9).
Không nên quá tập trung vào khâu tuyển sinh
Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm soát, trong đó có kiểm soát đầu ra của các trường ĐH nhằm bảo đảm minh bạch về chất lượng đào tạo giữa các trường.
“Nhìn nhận chất lượng giáo dục ĐH cần nhìn rộng các khâu, không nên quá tập trung vào khâu tuyển sinh, tạo ra sự căng thẳng. Nếu chúng ta quá nhấn mạnh “đầu vào”, hoặc quá nhấn mạnh “đầu ra” đều không phù hợp. Do vậy, phải rất hài hòa ở tất cả khâu trong quá trình đào tạo” - Bộ trưởng nói, đồng thời nhấn mạnh:
Đầu vào quan trọng, nhưng quan trọng hơn là kiểm soát quá trình đào tạo và đầu ra. Quan trọng hơn nữa là minh bạch trong cung cầu tuyển dụng lao động. Đây là bài toán tổng thể, đòi hỏi không chỉ ngành Giáo dục và các trường ĐH giải quyết.
Theo Bộ trưởng, kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 cơ bản tốt, thuận lợi cho các trường tuyển sinh. Bộ GD&ĐT tạo điều kiện và bảo đảm quyền lợi cho thí sinh.
Do đó, dù kỳ thi được tổ chức thành 2 đợt nhưng các thí sinh đều được công bằng trong đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, không phân biệt đợt trước, đợt sau. Tất cả đều được xét trên một mặt bằng chung.
Bộ tôn trọng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH nhưng không phải tự chủ thì muốn làm gì thì làm, mà vẫn có kiểm soát để tránh các trường “quá đà”. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hỗ trợ việc lọc ảo.
Không chỉ là công tác tuyển sinh; tới đây, Bộ sẽ dành nhiều quan tâm đến vấn đề minh bạch hóa điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường ĐH, đặc biệt tăng cường công tác thanh, kiểm tra.
Trên cơ sở đó, ghi nhận, biểu dương và có chính sách ưu đãi với những trường làm nghiêm túc và thực sự làm tốt.
Khuyến khích du học tại chỗ
Cho rằng, đại dịch Covid-19 cũng đặt ra cơ hội cho các trường ĐH có trình độ chất lượng cao, Bộ trưởng viện dẫn, trước đó rất nhiều học sinh có nhu cầu đi du học, nhưng do dịch Covid-19 các em có nhu cầu du học tại chỗ.
“Chúng tôi chỉ đạo ban hành chính sách và khuyến khích các trường ĐH, các ngành có chất lượng tốt liên kết đào tạo quốc tế, tạo điều kiện và cơ hội cho học sinh được du học tại chỗ.
Bên cạnh đó, qua công tác phối hợp, liên kết đào tạo, năng lực quản lý và trình độ của đội ngũ giảng viên cũng được nâng lên. Chúng ta không cào bằng, mà khuyến khích những trường đầu tư nghiêm túc, chất lượng nhưng đồng thời sẽ tăng cường thanh, kiểm tra những trường yếu kém, làm qua loa” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục ĐH, Bộ trưởng cho rằng đây là bậc đào tạo trình độ cao, là nguồn lực có tính chất dẫn dắt các nguồn lực khác.
Thời gian gần đây, chất lượng của giáo dục ĐH Việt Nam đã được cải thiện nhiều. Từ chỗ trên thế giới không biết đến trường nào, ngành nào, nay chúng ta đã được xếp hạng thế giới. Giáo dục ĐH được xếp 68/200 quốc gia.
Có 8 trường ĐH được xếp hạng trong tốp 500 các trường ĐH hàng đầu châu Á; 3 trường được xếp vào tốp 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới. Ngoài ra, có nhiều chương trình được kiểm định quốc tế. Đây là những điểm sáng của giáo dục Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, về cơ bản, số lượng và chất lượng còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng thiếu cả thầy và thợ. Vì thế, chúng ta cần tiếp tục tăng số lượng thanh niên vào học ĐH.
Bây giờ điều kiện phát triển, cách tiếp cận theo hướng đại chúng để thích ứng với hội nhập quốc tế. Xu hướng thế giới là phổ cập, để người dân được tiếp cận với ĐH; tất nhiên Nhà nước phải kiểm soát.
Cũng tại Hội nghị, với tư cách là báo cáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thông tin nhiều nội dung liên quan đến GD-ĐT, trong đó có kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, những định hướng lớn của ngành Giáo dục trong năm học mới và các năm tiếp theo.
Theo Minh Phong (Báo Giáo dục & Thời đại)