Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác tuyển sinh đại học năm 2020 phải lùi lại so với kế hoạch ban đầu. Đến nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào và tổ chức thực hiện các phương thức xét tuyển khác nhau nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh.
Điều chỉnh xét tuyển phù hợp thực tế
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), các trường đại học có thể sử dụng nhiều phương thức khác nhau để tuyển sinh như sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để sơ tuyển, xét tuyển; tổ chức thi, kiểm tra riêng để tuyển sinh hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển…
Năm 2020, trong tổng số 900.152 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT thì có 643.122 em đăng ký xét tuyển (chiếm 71,45%). Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại một số địa phương cho nên ngành giáo dục phải tổ chức hai đợt thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho mọi thí sinh, Bộ GD và ĐT điều chỉnh mốc thời gian trong lịch tuyển sinh. Trong đó, Bộ GD và ĐT công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe trước ngày 17-9 (lịch cũ trước ngày 7-9). Các trường điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên cổng thông tin tuyển sinh của bộ và trang thông tin điện tử của trường trước ngày 18-9 (lịch cũ trước ngày 8-9). Đáng chú ý, thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến từ ngày 19-9 đến 17 giờ ngày 25-9 (lịch cũ từ 9-9 đến 16-9); điều chỉnh bằng phiếu đăng ký xét tuyển từ ngày 19-9 đến 17 giờ ngày 27-9 (lịch cũ từ 9-9 đến 18-9). Các trường công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 trước 17 giờ ngày 5-10 (lịch cũ ngày 27-9)…
Cũng theo Bộ GD và ĐT, do nguyên nhân khách quan, thời gian thi, công tác điều chỉnh nguyện vọng, xét tuyển… đều phải điều chỉnh khiến thời điểm nhập học và khai giảng của sinh viên năm thứ nhất sẽ phải lùi chậm lại ít nhiều. Tuy nhiên, kế hoạch học tập của các khóa khác trong cơ sở đào tạo không bị ảnh hưởng. Theo Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Văn Phúc, đề án tuyển sinh của các trường đã công bố trước đây là căn cứ để thí sinh đăng ký bài thi, môn thi phù hợp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đợt 1 vào trường. Trong trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung nội dung đề án thì các trường đại học phải tuân thủ quy định và việc điều chỉnh không làm ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường. Các trường phải công bố và chủ động cập nhật ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đúng thời gian quy định. Khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, các trường THPT, điểm tiếp nhận hồ sơ phải hướng dẫn thí sinh điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến. Bộ GD và ĐT hỗ trợ kỹ thuật cho các trường về thông tin tuyển sinh, thống kê nguyện vọng thí sinh, phần mềm xét tuyển để giúp các trường tuyển sinh thuận lợi.
Tạo nhiều cơ hội cho thí sinh
Các cơ sở giáo dục đại học đã tích cực triển khai công tác tuyển sinh đúng quy định, phù hợp thực tế. Đến thời điểm 10-9, nhiều trường đại học đã công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và tổ chức xét tuyển, nhập học đối với thí sinh đăng ký xét tuyển bằng các phương thức khác như xét kết quả học bạ, xét tuyển thẳng… tạo nhiều cơ hội cho thí sinh. Trong đó, Trường đại học Mở Hà Nội quyết định gia hạn thêm thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ năm 2020 và xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cho 17 ngành tuyển sinh đại học chính quy phương thức lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, ngưỡng bảo đảm chất lượng xét tuyển vào trường trải rộng từ 15 điểm đến 19 điểm. Việc ngưỡng bảo đảm chất lượng trải rộng cho các ngành trong một trường đại học đa ngành tạo cơ hội rất lớn cho các thí sinh cân nhắc quyết định thứ tự ưu tiên cho các nguyện vọng đăng ký xét tuyển phù hợp với năng lực cá nhân.
PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương cho biết, năm 2020, trường sử dụng năm phương thức xét tuyển khác nhau gồm: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố lớp 11 hoặc lớp 12 và hệ chuyên của trường THPT chuyên; xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và các chương trình Ngôn ngữ; xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020; xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo các tổ hợp môn; xét tuyển thẳng năm 2020. Hiện nay, trường đã xét tuyển xong của bốn phương thức được gần 2.000 thí sinh trúng tuyển, chiếm khoảng 50% chỉ tiêu. Còn lại phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
PGS, TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, năm 2020 trường áp dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, như xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD và ĐT; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường tạo nhiều cơ hội cho thí sinh. Đến ngày 10-9 đã tuyển xong đợt 1 theo phương thức xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp đề án tuyển sinh của trường được gần 2.000 thí sinh trúng tuyển, bằng 30% chỉ tiêu. Thời gian tới, trường tiếp tục xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT. Mặc dù năm nay việc xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT năm 2020 khiến thí sinh phải chờ đợi lâu; kế hoạch học tập của trường cũng phải thay đổi, tuy nhiên, thí sinh nên bình tĩnh lựa chọn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Do điểm thi tốt nghiệp THPT cao cho nên kể cả các em được điểm cao kết quả đỗ hay không cũng khó lường. Vì vậy khi điều chỉnh đăng ký xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh nên tuân thủ nguyên tắc bậc thang “cao hơn, ngang bằng và thấp hơn” năng lực, điểm thi của mình. Đặc biệt nên quan tâm ngành điểm thấp của năm 2019 để có thể điều chỉnh đăng ký xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển. Đáng chú ý, Trường đại học Kinh tế quốc dân cũng như nhiều trường đại học khác tạo rất nhiều cơ hội để thí sinh học được ngành mình mong muốn vì phần lớn các trường hiện nay đào tạo theo tín chỉ, có thể học song song hai chương trình, vì vậy, khi đăng ký xét tuyển, các em nên đăng ký nhiều nguyện vọng, nghiên cứu kỹ các phương thức xét tuyển, đào tạo của các trường để tăng cơ hội trúng tuyển.