TIN TỨC & SỰ KIỆN

Bài báo này mô tả sự phát triển cũng như cách tiếp cận của Việt Nam đối với hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học, trong đó tập trung phân tích, đưa ra các thành tựu cũng như thách thức cần vượt qua.

Thuật ngữ “kiểm định” (accreditation) bắt nguồn từ Hoa Kỳ và các hệ thống kiểm định dựa trên mô hình của Hoa Kỳ sau đó đã được thiết lập ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Mục đích chính của các hệ thống này là đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho việc dịch chuyển sinh viên.

Ra đời từ thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, theo mô hình kiểm định của Hoa Kỳ, có thể lập luận rằng kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển sơ khai.

Một nghiên cứu về kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam có tầm quan trọng thiết yếu, đặc biệt khi các thành tựu và thách thức của hệ thống này được phân tích và thảo luận, đồng thời đưa ra các khuyến nghị cho việc hoạch định chính sách trong tương lai. Hơn nữa, nghiên cứu có thể đóng góp một phần nào đó vào việc thiếu tài liệu về kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.

Nhóm tác giả đã dùng phương pháp phân tích tài liệu. Các tài liệu được đưa vào phân tích bao gồm các văn bản chính sách liên quan đến các hoạt động hoạch định, chỉ đạo và thực tiễn liên quan đến sự phát triển của hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam.

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có một số thành tựu, bao gồm: việc xây dựng khung chính sách; thành lập các tổ chức kiểm định; hoàn thành báo cáo tự đánh giá của hầu hết các trường đại học; thực hiện đánh giá ngoài tại một số cơ sở giáo dục, một số trường đại học đã được cấp chứng chỉ kiểm định. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức liên quan đến tính độc lập của các tổ chức kiểm định, nguồn nhân lực, tiêu chuẩn và tiêu chí kiểm định, nhận thức của các cơ sở giáo dục đại học về kiểm định và tốc độ thực hiện công tác kiểm định giáo dục đại học.

Bất chấp hơn một thập kỷ phát triển, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam dường như phải đối mặt với một số thách thức lớn.

Trước hết, việc tạo ra sự độc lập hoàn toàn cho cơ quan đảm bảo chất lượng quốc gia và các tổ chức kiểm định phải là ưu tiên hàng đầu. Các đơn vị này sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình hiệu quả hơn nếu chúng được đặt bên ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cơ quan bảo đảm chất lượng quốc gia nên trực thuộc trực tiếp chính phủ hoặc thuộc trong Ủy ban Giáo dục Quốc gia (Nguyen et al., 2009). Nói cách khác, cơ quan đảm bảo chất lượng độc lập cần được thành lập ở cấp chính phủ

Thứ hai, các tài liệu liên quan chỉ ra rằng nguồn nhân lực là thành phần quan trọng của bất kỳ hệ thống kiểm định nào và việc đảm bảo chất lượng hiệu quả phụ thuộc phần lớn vào các cán bộ chuyên môn có năng lực trong cơ quan đảm bảo chất lượng quốc gia và sự sẵn sàng tham gia vào công tác bảo đảm chất lượng của các giảng viên và cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục (Materu, 2007).

Trong bối cảnh của Việt Nam, việc thiếu cán bộ và chuyên gia đảm bảo chất lượng ở cả cấp vĩ mô (quốc gia) và vi mô (cơ sở giáo dục) đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một số chính sách về vấn đề này, nhưng việc thiếu cán bộ phù hợp để thực hiện các chương trình đảm bảo chất lượng là một phần trong các cuộc trò chuyện hàng ngày giữa các nhà giáo dục và các nhà hoạch định chính sách giáo dục.

Về tiêu chuẩn và tiêu chí kiểm định, rõ ràng là chúng có vấn đề. Các vấn đề chính liên quan bao gồm: chúng tập trung nhiều vào đầu vào và quá trình, nhấn mạnh vào các tiêu chuẩn tối thiểu, một số lượng các tiêu chuẩn và tiêu chí quá lớn, xu hướng xác nhận thành tích trong quá khứ và hiện tại, chứa nhiều tiêu chí định lượng, kết nối lỏng lẻo và xu hướng giữa tất cả các tiêu chuẩn và tiêu chí và thiếu sự chú trọng vào sinh viên và việc học của họ.

Rõ ràng, một bộ tiêu chuẩn kiểm định mới nên được phát triển để thay thế bộ tiêu chuẩn 10/61 và theo cách: ít tiêu chí, dựa trên khái niệm chất lượng là phù hợp với mục tiêu để hỗ trợ cách tiếp cận chuyển đổi, kết nối chặt chẽ và nhất quán giữa các tiêu chuẩn và tiêu chí. Hơn nữa, bất kỳ tiêu chí mới nào cũng phải tập trung vào đầu ra, mang tính định tính và khuyến khích lập kế hoạch cải tiến chất lượng trong tương lai.

Việc nâng cao nhận thức của các cơ sở giáo dục đại học về đảm bảo chất lượng cần tiếp tục được quan tâm chú ý đến. Một mặt, Cuc Khảo thí và Kiểm định chất lượng (nay là Cục Quản lý chất lượng) và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức nhiều hội thảo và hội nghị về đánh giá và đảm bảo chất lượng hơn, đặc biệt là các hội nghị nhằm xây dựng văn hóa chất lượng. Những người tham gia các hội nghị, hội thảo này không nên chỉ giới hạn ở các cán bộ đảm bảo chất lượng mà cần bao gồm các nhà lãnh đạo các trường, các nhà quản lý, giảng viên, cán bộ hỗ trợ và sinh viên. Mặt khác, các cơ sở giáo dục cần tích cực phát triển các chương trình của riêng họ để nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên và sinh viên về vai trò và lợi ích của đảm bảo chất lượng đối với sự tồn tại và phát triển của cơ sở giáo dục (Le and Nguyen, 2013). Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ cơ chế thưởng/phạt liên quan đến đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục đạt được kết quả kiểm định tốt có thể được trao nhiều quyền tự chủ hơn, nhiều quyền tự do hơn và/ hoặc nhiều tài trợ hơn để duy trì và cải thiện chất lượng. Những trường không thực hiện tốt công các đảm bảo chất lượng có thể bị phạt như cắt giảm ngân sách hoặc thậm chí đóng cửa trường.

Việc triển khai kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam được cho là quá chậm khi so với các hệ thống khác trong khu vực. Ví dụ, ở Thái Lan, Văn phòng Quốc gia Tiêu chuẩn và Đánh giá Chất lượng Giáo dục - ONESQA) (chịu trách nhiệm về đánh giá chất lượng giáo dục) được thành lập vào năm 2000 và cho đến tháng 9 năm 2015, họ đã hoàn thành vòng thứ ba của đánh giá chất lượng bên ngoài cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học (ONESQA, 2015).

Các hoạt động cấp bách có thể bao gồm: thành lập thêm các tổ chức kiểm định, đặc biệt là các cơ quan thuộc các tổ chức phi chính phủ và cá nhân; đào tạo thêm kiểm định viên; và thực hiện đánh giá ngoài và cấp chứng chỉ kiểm định cho các cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Hơn một thập kỷ xây dựng quy trình đảm bảo chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam đã đạt được một số thành tựu ban đầu. Khung pháp lý đã được hoàn thiện; các nhà quản lý giáo dục, cán bộ và giảng viên đã làm quen với một số thuật ngữ liên quan như kiểm định, tự đánh giá, đánh giá ngoài; Các đơn vị chuyên trách về bảo đảm chất lượng đã được thành lập ở hầu hết các cơ sở giáo dục đại học; và hơn 90% các trường đại học đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá và sẵn sàng cho bước đánh giá ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam cần vượt qua một số thách thức để dẫn dắt hệ thống kiểm định của mình đi đúng hướng vì sự phát triển bền vững.

Yếu tố chính gây ra sự phát triển chậm chạp của hệ thống kiểm định giáo dục đại học của Việt Nam trong 12 năm qua là do tổ chức và quản lý ở cấp vĩ mô. Mặc dù Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng được coi là cơ quan đảm bảo chất lượng quốc gia ở Việt Nam, nhưng nó chỉ là một đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoạt động dưới sự bảo trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng phải dựa vào Bộ Giáo dục và Đào tạo cả về nhân lực và vật lực (chỉ tiêu biên chế, bổ nhiệm cán bộ quản lý, cơ sở hạ tầng và ngân sách). Ngoài ra, các chính sách trong kiểm định (ví dụ, các văn bản pháp lý về kiểm định) phải được Bộ trưởng Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Đồng thời, đẩy nhanh đánh giá ngoài cơ sở giáo dục đại học cũng nên là một trong những ưu tiên hàng đầu vì rất nhiều trường đại học đã chờ đợi bước này gần một thập kỷ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là đảm bảo tính độc lập của hệ thống kiểm định. Trong bối cảnh của Việt Nam, chỉ khi cơ quan đảm bảo chất lượng quốc gia trở thành cơ quan cấp chính phủ thì cơ quan này mới có được sự độc lập và tự chủ hoàn toàn để thực hiện thành công các nhiệm vụ chuyên môn của mình.

Trích: Nguyen, H. C, Evers, C., & Stephen Marshall, S. (2017). Accreditation of Viet Nam’s higher education: Achievements and challenges after a dozen years of development. Quality Assurance in Education, 25(4), 475-488. https://doi.org/10.1108/QAE-11-2016-0075.

 

(Nguồn: Lương Ngọc - Tạp chí giáo dục)

DMC Firewall is developed by Dean Marshall Consultancy Ltd