Tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để các cơ sở giáo dục đại học xây dựng định hướng chiến lược về công tác giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng theo hướng phù hợp với bối cảnh thực tế và hội nhập quốc tế.
Thực tế đã chứng minh, thực hiện cơ chế tự chủ đại học thành công giúp các đại học Việt Nam cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực của xã hội. Quyền tự chủ của các trường đại học luôn gắn với trách nhiệm giải trình để bảo đảm chất lượng trong giáo dục và để đáp ứng nhu cầu cần phải cải thiện tác động qua lại giữa các cơ chế bảo đảm chất lượng bên trong và bên ngoài. Điều này cho phép các trường đại học thích ứng với nhu cầu thay đổi không ngừng của người học và đảm bảo khai thác kịp thời các phản hồi tích cực trong hệ thống bảo đảm chất lượng (Chính phủ, 2014).
Đặt vấn đề
Trách nhiệm giải trình của các trường đại học là một yêu cầu khách quan liên quan đến quá trình đánh giá, giám sát và quản lý chất lượng của tất cả các hoạt động trong nhà trường. Quy trình bảo đảm chất lượng giáo dục bao gồm thiết kế và vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, tự đánh giá, đánh giá ngoài và kiểm định chất lượng (Vận&Hiền, 2020). Trong đó, kiểm định chất lượng giáo dục được nhìn nhận là một hình thức kiểm soát xã hội hiệu quả đối với chất lượng giáo dục của các trường đại học tự chủ. Bộ Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng sẽ là cơ sở pháp lý để các trường đại học xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các hoạt động tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, quản lý tài chính và dịch vụ cộng đồng (Tuấn, 2020).
Bảo đảm chất lượng trong đào tạo đại học mở và từ xa đòi hỏi công tác kiểm định chất lượng giáo dục phải hết sức linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của các trường đại học với những mô hình bảo đảm chất lượng bên trong hết sức đa dạng. Triển khai công tác bảo đảm chất lượng trong đào tạo đại học mở và từ xa thành công sẽ thúc đẩy sức sáng tạo của các cơ sở giáo dục mở và từ xa, giúp các trường đạt được sứ mệnh của mình. Để thực hiện tốt công tác bảo đảm chất lượng giáo dục, các trường đại học cần phải xây dựng bộ tiêu chuẩn nội bộ về bảo đảm chất lượng trong giáo dục mở và từ xa một cách tường minh trên các phương diện tổ chức quản lý, chương trình giáo dục, hoạt động đào tạo, nguồn nhân lực, người học, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế và quản lý tài chính.
Tự chủ đại học và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học là hai mặt thống nhất trong mọi hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học. Tự chủ đại học nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, còn bảo đảm chất lượng giáo dục đại học là để kiểm soát, duy trì và quản lý chất lượng đào tạo. Xu hướng xây dựng và phát triển xã hội học tập trong giai đoạn hội nhập quốc tế đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam phải xây dựng một hệ thống bảo đảm chất lượng đào tạo mở và từ xa với những chuẩn mực chung trong bối cảnh tự chủ đại học.
Với nhiều cách tiếp cận khác nhau, các nghiên cứu về bảo đảm chất lượng đào tạo đại học mở và từ xa trong cơ chế tự chủ đại học đã mang lại một cái nhìn khách quan về công tác bảo đảm chất lượng giáo dục mở và từ xa tại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Từ việc nghiên cứu các vấn đề lý luận có liên quan đến bảo đảm chất lượng trong giáo dục nói chung và bảo đảm chất lượng trong đào tạo mở và từ xa nói riêng bằng cách phân tích – tổng hợp, khái quát hóa các lý thuyết, quan điểm khoa học và kết quả nghiên cứu của các công bố khác; kết hợp với phân tích từ thực tiễn hoạt động của Nhà trường nhóm tác giả sẽ đưa ra một số đề xuất nhằm kiểm soát chất lượng giáo dục để duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đại học mở và từ xa tại Việt Nam.
1. Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học mở và từ xa trong cơ chế tự chủ đại học – một nhu cầu cấp bách trong giai đoạn toàn cầu hoá
Kinh tế tri thức trên nền tảng khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão tất yếu dẫn đến sự thay đổi về chất trong hệ thống đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường lao động. Giáo dục đào tạo mở và từ xa trong bối cảnh tự chủ đại học trở thành nhu cầu cấp thiết và cam kết của mỗi quốc gia nhằm phát triển bền vững. Trong giai đoạn toàn cầu hoá, các trường đại học phải không ngừng đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực người học nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng những tiêu chí chung của khu vực và của thế giới (Ban Chấp hành Trung ương, 2013).
Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, mô hình đại học khởi nghiệp trên nền tảng tự chủ đại học toàn diện về học thuật, về tổ chức nhân sự và về tài chính ngày càng được các cơ sở giáo dục đại học truyền thống, đặc biệt các trường đại học mở tại Việt Nam chú trọng triển khai. Mô hình đại học này thúc đẩy sự đổi mới sâu rộng, căn bản và sáng tạo trên các phương diện về vai trò và trách nhiệm của Nhà nước, trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp trong giáo dục đào tạo[7]. Để thực hiện tốt trách nhiệm xã hội trước cộng đồng và các bên liên quan, các sở giáo dục đại học mở và từ xa tại Việt Nam cần xây dựng một hệ thống bảo đảm chất lượng dựa trên nền tảng thiết lập sứ mạng của nhà trường, thiết kế các phương pháp và lập các chuẩn mực trong đào tạo đại học mở và từ xa.
Tự chủ đại học phải luôn gắn liền với bảo đảm chất lượng giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Hai nhân tố này phụ thuộc lẫn nhau, hỗ trợ nhau trong mọi hoạt động của nhà trường. Nếu như tự chủ là môi trường thúc đẩy các trường đại học thực hiện sứ mệnh của mình trên cơ sở phát huy nội lực, đổi mới và cải tiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; thì bảo đảm chất lượng trong giáo dục đại học duy trì, giám sát và củng cố chất lượng đào tạo hướng đến các hoạt động đáp ứng tốt yêu cầu của các bên liên quan (Trung, 2020).
Tự chủ đại học mà không chú trọng bảo đảm chất lượng đào tạo đại học mở và từ xa sẽ làm giảm sút chất lượng giáo dục đào tạo. Thực hiện bảo đảm chất lượng không trong cơ chế tự chủ thì các trường đại học không thể nâng cao được sức cạnh tranh của nhà trường trong hội nhập quốc tế.
Có thể nói, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học mở và từ xa trong cơ chế tự chủ đại học là mộtnhu cầu cấp bách trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Quyền tự chủ cho phép các trường đại học Việt Nam tự điều chỉnh các hoạt động tổ chức đào tạo nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà trường. Tuy nhiên, nếu thực hiện quyền tự chủ trong đào tạo đại học mở và từ xa không tốt sẽ dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, không đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của nền kinh tế thị trường. Để nâng cao chất lượng đào tạo đại học mở và từ xa, các trường đại học phải thực hiện quyền tự chủ trên nền tảng bộ tiêu chí và các nguyên tắc bảo đảm chất lượng giáo dục gắn liền với trách nhiệm công khai và giải trình trước các cấp có thẩm quyền, người học và các bên liên quan về các hoạt động của mình. Do đó, bảo đảm chất lượng giáo dục mở và từ xa khi thực hiện quyền tự chủ đại học là yêu cầu cấp thiết để đạt được mục tiêu phát triển bền vững của nhà trường trong thời đại hội nhập.
2. Khó khăn và thách thức trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục trong đào tạo mở và từ xa trong cơ chế tự chủ đại học tại Việt Nam
Bảo đảm chất lượng đào tạo đại học trong cơ chế tự chủ đại học cần phảidựa trên nền tảng những nguyên tắc quản trị đại học, bộ tiêu chí phù hợp với phương thức đào tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường và với các chuẩn mực chung trong khu vực và trên thế giới nhằm đạt được mục tiêu đã được định sẵn trong mối quan hệ bền vững với các bên liên quan (Uỷ Ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, 2020).
Trên thực tế, các cơ sở đào tạo đại học mở và từ xa đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo triển khai cơ chế tự chủ và từng bước khẳng định vị thế của mình trong việc đóng góp cho công cuộc xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Nhiều trường đại học đã xây dựng và ban hành nội bộ các hệ thống văn bản quản lý chất lượng đào tạo đại học mở và từ xa, định hướng cho các hoạt động của nhà trường. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng đã thành lập đơn vị chuyên trách về bảo đảm chất lượng giáo dục của nhà trường. Với mô hình tổ chức và quy mô khác nhau, các đơn vị chuyên trách về bảo đảm chất lượng trong các trường đại học đã trở thành những mắt xích kết nối hoạt động bảo đảm chất lượng trong toàn trường; hướng tới mục tiêu cải tiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực của xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ và các quy định về bảo đảm chất lượng trong đào tạo mở và từ xa, các cơ sở giáo dục đại học còn gặp phải một số khó khăn và thách thức sau:
Thứ nhất, Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học theo Thông tư 39/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới được ban hành ngày 09 tháng 10 năm 2020 (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2020). Do đó, nhiều trường đại học chưa kịp xây dựng và ban hành hệ thống văn bản nội bộ về bảo đảm chất lượng giáo dục mở và từ xa nhằm kiểm soát các hoạt động của nhà trường trong cơ chế tự chủ đại học. Phần lớn các trường đại học đều chú trọng việc tự đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của nhà trường trên cơ sở đầu vào. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ dựa trên chất lượng đào tạo và trên hiệu quả quản lý và khai thác các nguồn lực đều chưa thực sự được các trường đại học coi trọng triển khai. Trong thực tế, một số nguồn lực của nhà trường chưa thực sự được khai thác triệt để, đặc biệt nguồn nhân lực chưa được sử dụng thực sự hiệu quả dẫn đến đội ngũ cán bộ còn làm việc thiếu động lực, chưa thực sự đổi mới và sáng tạo.
Thứ hai, cơ sở pháp lý cho việc sử dụng tài chính trong công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học mở và từ xa trong cơ chế tự chủ còn chưa được cụ thể hoá bằng những quy định về mức chi cho công tác bảo đảm chất lượng. Quy chế chi tiêu nội bộ được các trường đại học xây dựng tuân theo cơ chế tự chủ đã cho phép nhà trường ưu tiên đầu tư cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, những quy định về việc sử dụng tài chính cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục mở và từ xa trong cơ chế tự chủ chưa được các trường đại học ban hành cụ thể. Dẫn đến, hiệu quả sử dụng tài chính cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học mở và từ xa còn chưa cao.
Thứ ba, mục tiêu của công tác bảo đảm chất lượng trong đào tạo đại học mở và từ xa của các trường đại học còn chưa được xác định định lượng một cách rõ ràng. Trong thực tế, một số trường đại học cải tiến chất lượng theo từng tiêu chí quản lý chất lượng ở các khâu tiêu chuẩn đầu vào, quy trình đào tạo và các chuẩn mực đầu ra chưa thực sự hiệu quả. Việc đổi mới, cải tiến chất lượng đào tạo đại học mở và từ xa sau mỗi chu kỳ tự đánh giá và đánh giá ngoài chưa được nhà trường triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt dẫn đến chất lượng đào tạo chưa thực sự được cải thiện sau mỗi chu kỳ đánh giá.
Thứ tư, năng lực chuyên môn của một bộ phận đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác bảo đảm chất lượng giáo dục trong đào tạo mở và từ xa chưa đáp ứng tốt yêu cầu của công việc. Một số cán bộ chuyên trách công tác bảo đảm chất lượng giáo dục chưa được đào tạo bài bản về công tác bảo đảm chất lượng giáo dục trong đào tạo mở và từ xa. Bên cạnh đó, công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về bảo đảm chất lượng giáo dục trong đào tạo mở và từ xa trong cơ chế tự chủ đại học còn chưa thực sự được chú trọng triển khai. Điều này dẫn đến, kiến thức và năng lực của một số cán bộ chuyên trách công tác bảo đảm chất lượng giáo dục trong đào tạo mở và từ xa chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của công việc trong cơ chế tự chủ đại học.
Thứ năm, quy định về bảo đảm chất lượng giáo dục trong việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo mở và từ xa vẫn còn chưa thực sự linh hoạt với cơ chế tự chủ đại học. Các quy định về quản lý chất lượng các chương trình đào tạo mở và từ xa chưa thực sự gắn với thực tiễn theo hướng tiếp cận đào tạo năng lực nghề nghiệp cho người học. Điều này dẫn đến chất lượng đào tạo đại học mở và từ xa chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thời đại hội nhập. Người học chưa được trang bị những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để có thể tự tìm kiếm việc làm và phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
3. Đề xuất nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm chất lượng trong đào tạo mở và từ xa tại các trường đại học Việt Nam
Nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm chất lượng trong đào tạo mở và từ xa tại các trường đại học Việt Nam trong cơ chế tự chủ đòi hỏi sự chung tay, góp sức của các cấp, ban, ngành liên quan đến công tác giáo dục đào tạo. Để nâng cao hiệu quả của công tác bảo đảm chất lượng trong đào tạo mở và từ xa, chúng ta cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, các trường đại học cần sớm xây dựng các quy định nội bộ về bảo đảm chất lượng giáo dục đào tạo đại học mở và từ xa phù hợp với đặc thù của nhà trường và cơ chế tự chủ dựa trên Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học theo Thông tư 39/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới được ban hành. Đây chính là hành lang pháp lý cho các trường đại học có thể tự đánh giá hiệu quả trong công tác đào tạo, khai thác các nguồn lực và quản lý tài chính.
Thứ hai, các trường đại học cần chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ quy định về việc sử dụng tài chính trong công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học mở và từ xa. Quy chế chi tiêu nội bộ trên cơ sở hành lang pháp lý với sự phân bổ tài chính thích đáng cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học mở và từ xa sẽ phát huy hiệu quả nguồn lực của nhà trường, kích thích tinh thần làm việc tích cực, sáng tạo và đổi mới, hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo.
Thứ ba, các cơ sở giáo dục đại học mở và từ xa cần xác định rõ mục tiêu của công tác bảo đảm chất lượng trong đào tạo đại học mở và từ xa để có thể chủ động cải tiến chất lượng giáo dục và đào tạo theo từng tiêu chí bảo đảm chất lượng đã đặt ra sau mỗi chu kỳ tự đánh giá và đánh giá ngoài. Công tác đổi mới, cải tiến chất lượng đào tạo đại học mở và từ xa là một quá trình đánh giá toàn diện và liên tục. Điều này đỏi hỏi các cơ sở giáo dục đại học phải lựa chọn các quy trình bảo đảm chất lượng phù hợp với sứ mệnh, mục tiêu cụ thể và sự phát triển của nhà trường thông qua việc xác định lộ trình với các cấp độ, các cột mốc đạt được sau mỗi chu kỳ đánh giá.
Thứ tư, các trường đại học cần chủ động xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục. Nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ chuyên trách và các cộng tác viên của công tác bảo đảm chất lượng giáo dục trong nhà trường là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Các trường đại học cần xây dựng kế hoạch tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng và các hội nghị, hội thảo nhằm nâng cao kiến thức và năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ chuyên trách về hoạt động bảo đảm chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới. Đây là lực lượng nòng cốt tham mưu cho Lãnh đạo trường ban hành các quy định về công tác bảo đảm chất lượng đào tạo đại học mở và từ xa. Đội ngũ cán bộ chuyên trách này cũng chính là hạt nhân có sức lan toả sâu rộng trong công tác xây dựng văn hoá chất lượng trong toàn trường.
Thứ năm, các trường đại học cần triển khai hiệu quả hơn nữa các quy định về quản lý chất lượng giáo dục trong việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo mở và từ xa thông qua việc đẩy mạnh mối liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và xã hội. Cơ chế tự chủ cho phép các trường đại học xây dựng và phát triển chương trình đào tạo linh hoạt, gắn liền với thực tiễn theo hướng tiếp cận năng lực thực hành nhằm tăng cường sự tương tác giữa giảng viên, người học và các nhà chuyên môn trong thế giới nghề nghiệp. Điều này giúp nhà trường tăng cường chuyển giao công nghệ và đặc biệt là thúc đẩy hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo xã hội trong trường đại học.
Trên đây là một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác bảo đảm chất lượng đào tạo đại học mở và từ xa trong bối cảnh tự chủ đại học. Các giải pháp này phải được thực hiện một cách đồng bộ với sự chung sức của các cấp có thẩm quyền, nhà trường và các bên liên quan. Các đơn vị trong nhà trường cũng như mỗi cá nhân trong từng đơn vị cần phát huy ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng văn hoá chất lượng trong khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Văn hoá chất lượng là nền tảng vững chắc giúp nhà trường triển khai các hoạt động bảo đảm chất lượng trong giáo dục nói chung và trong đào tạo đại học mở và từ xa nói riêng một cách hiệu quả.
4. Kết luận
Bảo đảm chất lượng trong đào tạo đại học mở và từ xa là nhân tố quyết định giúp các trường đại học góp phần đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu việc làm ngày càng gia tăng của xã hội học tập. Để thực hiện tốt công tác bảo đảm chất lượng, các cơ sở đào tạo đại học mở và từ xa cần phải tuân theo bộ tiêu chí quản lý chất lượng chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Bộ tiêu chí này cần phải được áp dụng phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể của cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học. Cơ chế tự chủ cho phép các trường đại học chủ động điều chỉnh linh hoạt phương thức đào tạo mở và từ xa nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực trên cơ sở tuân theo các hành lang pháp lý. Các trường đại học tự chủ cần phải sẵn sàng giải trình và công khai hoá các hoạt động của nhà trường đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả của các hoạt động của mình trước các bên liên quan. Bên cạnh đó, các trường đại học tự chủ phải không ngừng hoàn thiện và nâng cao các chuẩn mực đầu vào, quy trình đào tạo và các chuẩn mực đầu ra nhằm đảm bảo rằng sản phẩm đầu ra của giáo dục và đào tạo từ xa có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Ban Chấp hành Trung ương (2013). Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (2020). Thông tư 39/2020/TT-BGDĐT ngày 09 tháng 10 năm 2020 về về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học. https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-39-2020-chat-luong-chuong-trinh-dao-tao-tu-xa-trinh-do-dai-hoc-192428-d1.html.
Cao Văn (2016). Giải pháp tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội ở các trường đại học trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay. Tự chủ đại học và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đại học. NXB Thông tin và truyền thông.
Chính phủ (2014). Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 -2017.
Đặng Ứng Vận, Tạ Thị Thu Hiền (2020). Kiểm định chất lượng và cơ chế tự chủ đại học. Kỷ yếu Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020: Tự chủ trong giáo dục – từ chính sách đến thực tiễn. Quốc hội khoá XIV.
Phạm Văn Tuấn (2020). Kiểm định chất lượng – công cụ giải trình để tự chủ đại học. Kỷ yếu Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020: Tự chủ trong giáo dục – từ chính sách đến thực tiễn. Quốc hội khoá XIV.
SEAMEO Regional Open Learning Centre (2008). Southeast Asian Journal on Open and Distance Learning: Quality Assurances and Open and Distance Learning Implementation. SEAMEO SEAMOLEC.
Trần Trung (2020). Tự chủ đại học và những bước đi cho phát triển bền vững. Kỷ yếu Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020: Tự chủ trong giáo dục – từ chính sách đến thực tiễn. Quốc hội khoá XIV. Uỷ Ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (2020). Tự chủ trong giáo dục – từ chính sách đến thực tiễn.
(Nguồn: Mai Văn Lưu; Nguyễn Thị Thuý Hồng (2021), Sách chuyên khảo “Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học: Lý luận và thực tiễn”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội)