TIN TỨC & SỰ KIỆN

Việc thành lập các trung tâm khảo thí độc lập tại hai đại học quốc gia và các đại học vùng cao vào năm 2022 đang được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi quan trọng trong nỗ lực cải cách thi cử.

Đại học vùng chuẩn bị kế hoạch đổi mới khảo thí

Sự ra đời các Trung tâm Khảo thí độc lập trên cả nước sẽ giúp giảm gánh nặng thi cử cho thí sinh, cũng như đưa ra bộ đánh giá chuẩn với năng lực của người học. Các trung tâm này có thể tổ chức các kỳ thi nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học. Mô hình đơn vị khảo thí độc lập cũng sẽ giảm thiểu các tiêu cực liên quan đến thi cử. Mô hình này cho phép sự tham gia của các đơn vị khảo thí khu vực và quốc tế, góp phần vào việc quốc tế hóa trong giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho liên thông bằng cấp, chứng chỉ.

TS Lê Hùng Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Đại học Thái Nguyên cho biết: “Các phần mềm thi ở đây là phần mềm chuyên dụng có thể quản lý được thí sinh trong quá trình thi, quản lý được gian lận. Đặc biệt khi thi và chấm đều thao tác trên máy”. GS, TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên chia sẻ: “Tới đây đơn vị sẽ phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội và các chuyên gia để xây dựng những bộ test, bộ khung đánh giá năng lực của học sinh có mong muốn được vào các trường đại học của Đại học Thái Nguyên. Làm như vậy sẽ bảo đảm được chức năng kép của Trung tâm Khảo thí và Quản lý chất lượng”.

Xây dựng Trung tâm Khảo thí vùng là điều kiện đầu tiên để bắt đầu quá trình đổi mới thi cử trong những năm tới. GS, TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Về lâu dài, chúng ta sẽ thành lập những Trung tâm Khảo thí độc lập để có thể tuyển sinh quanh năm và trên cơ sở đó, các trường đại học trên cả nước có thể dùng kết quả này để tuyển sinh nhiều lần trong năm”.

Từ lâu, nhiều nước đã thông qua các Trung tâm Khảo thí để đánh giá kiến thức, sử dụng kết quả vào trường đại học. Ở Việt Nam hai Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng và dần hoàn thiện bộ ngân hàng đề thi chuẩn. TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá  chất lượng đào tạo, Đại học  Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: “Ngân hàng câu hỏi đã được xây dựng và quản lý một cách chuyên nghiệp với một đội ngũ chuyên gia rất hùng mạnh từ các cán bộ trong hệ thống cũng như ngoài hệ thống Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Theo lộ trình, đến năm 2023, Trung tâm Khảo thí thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành một Trung tâm độc lập, hoàn toàn tự chủ”.

GS, TS Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường đại học Vinh cũng chia sẻ: “Trường đã tổ chức đào tạo bồi dưỡng cho một đội ngũ giảng viên có chuyên môn về công tác kiểm tra, đánh giá, phân tích kết quả để phục vụ cho các hoạt động của Trung tâm và nhà trường cũng đang hoàn thiện các hồ sơ thủ tục xin Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành lập Trung tâm Khảo thí để phục vụ cho mục tiêu hoạt động của nhà trường”.

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý

Tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2021, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT phải đổi mới để năng động hơn, thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh, tăng cường phân cấp để các địa phương chủ động hơn. Năm 2022 là một bước đi đầu, khả năng là một năm có tính chất giao thời, chuẩn bị để thực hiện đổi mới toàn diện hơn vào năm sau.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng, việc thi, tuyển sinh cần đi vào thực chất hơn để các trường đánh giá đúng năng lực thí sinh. Bộ GD&ĐT đang xây dựng lộ trình thi và tuyển sinh với những phương án phù hợp để từng bước triển khai.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ có phương án để các trường đại học tăng tự chủ tuyển sinh hơn. Các trường có thể phối hợp tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy để bổ sung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm phục vụ mục tiêu tuyển sinh, nhưng phải bảo đảm không để thí sinh đi lại nhiều lần. Đơn cử như kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã được một số trường sử dụng để xét tuyển. Cùng với đó, xúc tiến việc hai Đại học Quốc gia, các đại học vùng xây dựng hệ thống các Trung tâm Khảo thí để tổ chức kỳ thi phục vụ cho việc xét tuyển.

Theo PGS, TS Đỗ Văn Xê, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, việc thành lập Trung tâm Khảo thí đi đúng xu hướng quốc tế. Các nước trên thế giới từ rất lâu đã thông qua các Trung tâm Khảo thí để đánh giá kiến thức, sử dụng kết quả vào trường đại học. Tuy nhiên, cần phải làm một cách nghiêm túc, bài bản từ khâu tổ chức, xây dựng hệ thống ngân hàng đề thi đủ chuẩn để tổ chức thi.

Còn theo đề xuất của GS, TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó Trưởng ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì cần có một hành lang pháp lý cho ra đời của các trung tâm khảo thí. Việc đầu tiên là cần hoàn thiện các văn bản pháp quy, trong đó có cách thức để tổ chức thi trên máy. Các trung tâm khảo thí độc lập có thể tổ chức thi thành nhiều đợt trong năm nhưng cần cân bằng giữa các lần thi và bảo đảm độ tương thích. “Ngoài ra, cần hoàn thiện hệ thống phần mềm, tính khách quan trung thực, an toàn và có tính bảo mật cao. Sau khi thi, việc công bố điểm sẽ như thế nào. Cùng với đó, cần tính đến kết quả, giá trị và hiệu lực của kỳ thi”, GS Thảo đề nghị.

Hiện, Bộ GD&ĐT đã khảo sát về việc thành lập Trung tâm Khảo thí quốc gia uy tín tại các cơ sở giáo dục đại học, hoặc có thể được các đơn vị, doanh nghiệp, cũng như các đơn vị khác thành lập nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn, tiêu chí theo yêu cầu. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Để tiến tới thành lập trung tâm khảo thí độc lập, Bộ đã giao Cục Quản lý chất lượng xây dựng quy chế, điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, công nghệ thông tin, các yêu cầu chuẩn mực về đề thi…, nhằm tổ chức thi, bài thi được chuẩn hóa, trên tinh thần công bằng, khách quan và chất lượng để các trường tin tưởng và sử dụng kết quả.

Thứ trưởng nhấn mạnh, việc thành lập phải có lộ trình, phù hợp thực tiễn khách quan. Sau khi thành lập, các trung tâm này sẽ tổ chức các kỳ thi nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học. Khuyến khích các trung tâm tổ chức thi trên máy tính, tạo thuận lợi cho thí sinh để các em không phải di chuyển đi thi và có thể thi thành nhiều đợt trong năm.

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý chất lượng (Đại học Cần Thơ) Đào Phong Lâm: “Sẽ phải đối diện một số khó khăn. Đầu tiên là về nhân lực chất lượng cao làm việc cho trung tâm khảo thí độc lập. Không dễ để các chuyên gia trong lĩnh vực này từ bỏ vị trí và nhiệm sở của họ để tham gia công tác tại đơn vị độc lập còn non trẻ và thiếu lộ trình phát triển rõ ràng. Khó khăn nữa là chuẩn hóa sao cho việc đào tạo các cấp bậc trong hệ thống giáo dục quốc dân đáp ứng được nội dung, tiêu chí đánh giá của bài thi do trung tâm khảo thí độc lập xây dựng và sử dụng (hiện nay quốc tế chưa công nhận chứng nhận ngoại ngữ sáu bậc của Việt Nam tương đương chứng chỉ TOEIC hay TOEFL của ETS)”.

 

(Nguồn: An Như - Báo Nhân Dân)

DMC Firewall is a Joomla Security extension!