Ngày 18/1/2013 tại Đại học Ngoại thương đã diễn ra Hội thảo quốc tế « Đối tác công-tư, thực hiện các dự án PPP » do trường Đại học Ngoại thương phối hợp với Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF tổ chức.
Hội thảo được đồng tổ chức bởi Trung tâm nghiên cứu về Hợp tác Châu Âu và quốc tế của Đại học Tours, Trung tâm nghiên cứu Châu Âu của Đại học Rennes, Trung tâm pháp luật kinh doanh của Đại học Aix-Marseille III (Cộng hòa Pháp), Trung tâm nghiên cứu về và thực hành pháp luật trực thuộc Khoa Luật- Đại học Ngoại Thương.
Quan hệ Đối tác Công – Tư (PPP) được coi là một trong những công cụ hữu hiệu để Nhà nước có được cơ sở hạ tầng cần thiết phục vụ lợi ích công và phát triển kinh tế-xã hội. Tầm quan trọng này đã được khẳng định không chỉ ở các nước châu Âu mà còn cả ở các nước ASEAN và nhiều nước khác trên thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá rằng chính các nước đang phát triển là những nước sử dụng nhiều nhất PPP, coi đây là các công cụ cải cách quan trọng lĩnh vực quản lý công. Chủ đề về PPP cũng đã thu hút được sự chú ý nhất định trong ASEAN, vì từ năm 1990 đến năm 2010 đã có 484 dự án theo hình thức này được triển khai, với số vốn lên tới hơn 215 tỉ USD. Nhiều Quốc gia như Philippines, Thái Lan, Singapo đã đưa ra các cải cách pháp luật liên quan nhằm phát triển nguồn vốn đầu tư dưới hình thức này.
Việc tìm kiếm nguồn tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng là một vấn đề rất thời sự tại Việt Nam hiện nay do đất nước đang có nhu cầu rất lớn về cơ sở hạ tầng cho sự phát triển kinh tế. Trong bối cảnh đó, nhiều cải cách pháp luật đã được thực hiện nhằm thúc đẩy hơn nữa vốn đầu tư dưới hình thức PPP, đặc biệt, cần phải kể đến những cải cách trong Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP (được ban hành theo Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 15/01/2011).
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu. Các câu trả lời cho các vấn đề này chắc chắn sẽ có những tác động đối với các nhà đầu tư và các nhà tài trợ. Một nghiên cứu khả thi nghiêm túc chắc chắn sẽ là một đảm bảo cho các nhà đầu tư và các nhà tài trợ. Họ cũng sẽ rất chú ý đến khuôn khổ pháp lý và tầm quan trọng của các biện pháp đảm bảo thực hiện có thể có được từ nước tiếp nhận đầu tư và từ một số tổ chức quốc tế. Sự vận hành tốt của công ty dự án lẽ dĩ nhiên cũng sẽ là một đảm bảo cho thành công. Các phương thức và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam cũng cần được xây dựng để đáp ứng yêu cầu minh bạch và an toàn. Những vấn đề nói trên được các chuyên gia giầu kinh nghiệm làm sáng tỏ trong khuôn khổ Hội thảo này.
Các diễn giả là các Giáo sư giàu kinh nghiệm đến từ các trường đại học của châu Âu và Việt Nam, các chuyên gia trong lĩnh vực đối tác công tư, các nhà tài trợ (AFD), các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia (Aéroport de Paris Management, Véolia, Vinci, Systra) và các luật sư quốc tế (Audier et Partners, Hogan Lovells international LLP), các chuyên gia từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tư Pháp của Việt Nam.
Các chủ đề trình bày và thảo luận rất phong phú: Tính minh bạch của các dự án PPP và phòng chống tham nhũng: trách nhiệm pháp lý, Công nghiệp hóa, các doanh nghiệp nhà nước và phát triển: hợp đồng, tổng kết và triển vọng, Nghiên cứu khả thi các dự án PPP, Tài trợ cho các dự án PPP tại EU và các nước thành viên EU: các biện pháp đảm bảo thực hiện và trách nhiệm, Tài trợ cho các dự án PPP tại các nước mới nổi: các biện pháp đảm bảo thực hiện và trách nhiệm, công ty dự án, điều phối dự án PPP… Tình hình thực hiện PPP và khung pháp lý hiện hành tại Việt Nam và các vấn đề hoàn thiện khung pháp lý cũng được các chuyên gia Việt Nam đề cập đến. Hội thảo cũng thảo luận về vấn đề tranh chấp và giải quyết tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư, một vấn đề pháp lý rất được quan tâm chú ý ở Việt nam trong thời gian qua./.
Hội thảo quốc tế « Đối tác công-tư, thực hiện các dự án PPP » là một hoạt động trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển của trường Đại học Ngoại thương là: tăng cường mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học với các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu nước ngoài; phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước nghiên cứu liên quan đến việc việc hoạch định chính sách và có tính ứng dụng cao; nâng cao năng lực nghiên cứu phấn đấu trở thành trường đại học nghiên cứu vào năm 2030.